Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trong những năm qua trên phạm vi cả nước, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, qua rà soát cả nước còn khoảng trên 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo "3 cứng" hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Thực hiện phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động, hiện nay cả nước đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành cả 3 nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (còn khoảng 200 nghìn căn nhà) bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia (còn khoảng 88 nghìn căn nhà). Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên (gồm 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là khoảng 6.500 tỷ đồng).
Đề cập đến việc hướng dẫn và yêu cầu kỹ thuật về các mẫu nhà, trả lời báo chí, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã có Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có hướng dẫn và yêu cầu về các mẫu nhà.
Theo đó, các mẫu nhà có diện tích tối thiểu 30m2. Với hộ độc thân, người cao tuổi, không nơi nương tựa không thấp hơn 18m2.
Đồng thời nhà phải đảm bảo "3 cứng": Nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng, có đầy đủ công năng sử dụng và tuổi thọ căn nhà phải đảm bảo từ 20 năm trở lên.
Các mẫu nhà phải có diện tích tối thiểu 30m2 (hộ độc thân, người cao tuổi, không nơi nương tựa, thì không thấp hơn 18m2). |
Với khu vực có bão, ngập lụt, ngoài các yêu cầu trên nhà ở phải đảm bảo khả năng phòng tránh bão. Mái làm bằng vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng tránh bão, nhà ở phải có sàn cao hơn mức ngập lụt thường xuyên tại khu vực và được làm từ các loại vật liệu bền, chắc như bê tông cốt thép, gỗ, tường xây gạch, đá.
Nhằm đảm bảo với sự phù hợp theo các vùng, miền, ngoài việc bảo đảm các tiêu chí trên, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở để đảm bảo phù hợp với thực tế các địa phương kèm theo dự toán kinh phí dự trù vật liệu để người dân có thể tham khảo, lựa chọn và sửa chữa nhà ở.
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành như Cao Bằng, trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; như giao lực lượng nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, cấp huyện vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả, neo đơn không nơi nương tựa; hướng dẫn, vận động các hộ gia đình xây dựng nhà ở kết hợp thực hiện "nhà tắm, tiêu hợp vệ sinh", di dời gia súc ra khỏi sàn nhà...