Theo mạng tin globalandmail.com, mọi thứ dường như đang rất lạc quan cho tới khi các chuyên gia của Deutsche Bank gần đây phát hiện ra một mối hiểm họa tiềm tàng.
Nguy cơ dâng cao...
Trong một báo cáo mang tên “Cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo”, ngân hàng này đã đưa ra hàng loạt số liệu để chứng minh rằng các cú sốc kinh tế đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây.
Ngân hàng này ghi nhận rằng các nhà đầu tư trong thế hệ trước đã chứng kiến sự sụp đổ của chứng khoán Nhật Bản (1990), cuộc khủng hoảng peso của Mexico (1994), cuộc khủng hoảng châu Á (1997), sự thất bại của Nga (1998), cuộc khủng hoảng dot-com (2000), các vụ bê bối kế toán (2002), cuộc suy thoái kinh tế (2008) và cuộc khủng hoảng gần đây ở khu vực châu Âu (2010). Vì vậy, có lẽ thế giới không nên ngủ vùi trong giấc mộng đẹp gần đây. Nếu đúng theo những gì đã xảy ra trong lịch sử, thế giới có thể sắp phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng trong thời gian tới.
Điều đáng để lo ngại ở đây là gì? Hiện giờ, toàn thế giới không có đủ các biện pháp hạn chế hậu quả mà những cú sốc có thể mang lại như trong các tình huống khẩn cấp trước đó. Trong những năm qua, để chống suy thoái kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, đây không còn là một lựa chọn thực tế tại thời điểm này.
Cân bằng lại lãi suất cho vay thường được cho là liều thuốc hữu hiệu cho các cuộc khủng hoảng. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ vào cuối năm 2007, lãi suất của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đang ở mức 4,75%. Trải qua hai năm, BoC đã cắt giảm lãi suất xuống còn 0,5% nhằm cứu vãn nền kinh tế khỏi khủng hoảng. Nếu những cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong thời gian tới, ngân hàng sẽ không thể làm điều tương tự để ứng phó.
Chỉ cần làm một phép toán đơn giản để có thể kết luận rằng với lãi suất hiện tại ở mức 1%, ngân hàng sẽ không thể cắt giảm nhiều hơn 1 điểm phần trăm nếu lãi suất không tăng cao hơn. Nếu các ngân hàng nỗ lực giữ lãi suất cho vay thấp và thu phí khách hàng mở tài khoản tiết kiệm, những khách hàng này có thể sẽ rút hết tiền khỏi tài khoản ngân hàng và giữ tiền mặt.
Các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều không “kịp trở tay” nếu nền kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng. Điều đó khiến chính sách tài khóa, hay nói cách khác là chi tiêu của chính phủ, trở thành công cụ chính để đối đầu với các cuộc khủng hoảng nhưng đương nhiên, nó cũng không thể tạo dựng việc làm mới. Nhiều chính phủ đã chi tiêu nhiều trong thời kỳ suy thoái kinh tế và nợ công đã tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước.
Chẳng hạn ở Mỹ, tổng số nợ liên bang do công chúng nắm giữ đã tăng từ 63% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2007 lên hơn 103% GDP vào năm 2017. Canada và hầu hết các nước châu Âu cũng lâm vào tình trạng tương tự. Nợ công ngày càng tăng cho thấy nhiều chính phủ sẽ phải đối mặt với sự phản đối chính trị mạnh mẽ nếu họ muốn tiếp tục thực hiện các chương trình chi tiêu công.
Chỉ còn biết... hy vọng
Với sự thiếu hụt hiện tại của các công cụ chống suy thoái, thế giới có thể làm gì? Điều duy nhất có thể làm là hy vọng.
Lợi nhuận của doanh nghiệp trên toàn thế giới gần đây đã tăng mạnh, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nếu có đủ thời gian, các ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất một cách chậm rãi đến mức có thể cắt giảm khi các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra. Kể cả trong một nền kinh tế lý tưởng thì các chính phủ cũng sẽ phải mất nhiều năm để giảm bớt gánh nặng nợ công để tự trang trải cho những biến động trong tương lai.
Tuy vậy, Ngân hàng Deutsche Bank đã nêu ra nhiều lý do đáng để lo ngại, ví dụ như một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Trung Quốc bởi những nỗ lực hiện tại của các ngân hàng trung ương nhằm tháo gỡ chính sách tiền tệ cũ và tăng lãi suất. Những nguyên nhân trực tiếp vẫn nằm ở thị trường tài chính “bong bóng” hiện nay. Theo số liệu của Deutsche, danh mục trái phiếu/cổ phiếu chưa bao giờ đắt đỏ như hiện tại. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu giá chứng khoán Mỹ quay trở lại mức trước khủng hoảng, một nhà đầu tư sẽ mất hơn 40% vốn trong thập kỷ tới.
Ít nhất, so với các chính phủ, thì các cá thể cũng có nhiều lựa chọn hơn để chuẩn bị đối đầu với những rắc rối trong tương lai. Nếu những trích dẫn từ báo cáo của Ngân hàng Deutsche là sự thật thì thế giới cần phải thận trọng cho dù nền kinh tế đang bùng nổ. Dường như hạn chế các khoản nợ và giữ tiền mặt là một lựa chọn tốt khi các cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên ngày càng phổ biến...