Nợ có khả năng mất vốn 272 tỷ đồng
Theo tìm hiểu, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, Petrolimex đầu tư ngoài ngành vào PGBank trái quy định khi tăng thêm 400 tỷ đồng vào PGBank mà không xin ý kiến Bộ Công Thương. Sau đó, dù Chính phủ yêu cầu thoái vốn khỏi PGBank nhưng đến nay Petrolimex vẫn chưa thực hiện được.
Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất của PGBank, đóng góp 1.200 tỷ đồng trong tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của ngân hàng này. Như vậy, vốn Petrolimex chiếm 40% vốn PGBank, vi phạm Luật các tổ chức Tín dụng (tối đa chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng 20%).
Năm 2016, với hơn 1.400 nhân viên hoạt động trong toàn hệ thống, PGBank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch). Nhiều chỉ tiêu kinh doanh đặt ra trong năm 2016 hầu như ngân hàng không hoàn thành.
Đến hết ngày 31/12/2016, hoạt động huy động vốn chỉ đạt 21.024 tỷ đồng (đạt 88% kế hoạch). Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 được lãnh đạo PGBank đặt ra khiêm tốn chỉ với 150 tỷ đồng, giảm so với năm 2016.
Đặc biệt, vấn đề nợ xấu đang khá trầm trọng ở ngân hàng này. Theo báo cáo tài chính năm 2016 được PGBank công bố cách đây chưa lâu, tổng tài sản của PGBank vào thời điểm 31/12/2016 đạt 24.824 tỷ đồng, số nợ cho vay là hơn 17.500 tỷ. Trong đó, nợ cần chú ý là hơn 232 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn hơn 56 tỷ đồng, nợ nghi ngờ hơn 104 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn gần 272 tỷ đồng. Đáng chú ý, số nợ có khả năng mất vốn này tăng lên so với đầu năm 2016 (thời điểm đầu năm số nợ này là 202 tỷ đồng).
Trước đó, vào năm 2013, do tình trạng nợ xấu cao, PGBank đã bán nợ cho Công ty TNHH MTV Quản lí tài sản của Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nên tỷ lệ nợ xấu được giảm xuống. Hiện nay, theo báo cáo thì tỷ lệ nợ xấu của PGBank là 2,72%, tuy nhiên nếu cộng với số dư VAMC thì tỷ lệ này là trên 10%.
“Nín thở” chờ sáp nhập
Petrolimex đã đầu tư tổng cộng 1.200 tỷ đồng vào PGBank nhưng nhiều năm nay ngân hàng này hoạt động cầm chừng. Điều đáng nói, cổ đông tại ngân hàng này có cả ông Bùi Ngọc Bảo (Chủ tịch Petrolimex đồng thời là Chủ tịch PGBank), vợ và em trai ông. Nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể giải thích việc ông Bùi Ngọc Bảo “trốn” Bộ Công Thương để chấp thuận đầu tư thêm 400 tỷ đồng trái quy định vào PGBank?
Như đã phân tích ở những bài viết trước, nếu để mất vốn Nhà nước ở PGBank, ông Bảo với tư cách là lãnh đạo cao cấp của Petrolimex và PGBank sẽ là người chịu trách nhiệm. Hiện Petrolimex chưa thoái vốn khỏi PGBank theo chỉ đạo của Chính phủ mà tìm cách sáp nhập vào Ngân hàng ViettinBank. Thế nhưng ba năm qua, việc sáp nhập bất thành do PGBank không chịu giảm tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Theo phương án thỏa thuận giữa hai bên, nếu PGBank sáp nhập vào ViettinBank thì tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng là 1:0,9; tức một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu VietinBank. Ngân hàng Nhà nước đã không đồng ý với tỷ lệ hoán đổi này. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu thực hiện tỷ lệ hoán đổi trên, cổ đông PGBank sẽ được lợi nhưng bất lợi lại thuộc về ViettinBank, cũng là bất lợi cho Nhà nước do PGBank là ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản kém, hoạt động cầm chừng, trong khi ViettinBank là ngân hàng lớn, có uy tín, khả năng thanh khoản cao.
Trong khi ông Bùi Ngọc Bảo đang vì lí do nào đó đã để PGBank hoạt động cầm chừng, “nín thở” chờ được sáp nhập với VietinBank thì nhiều cổ đông và hàng trăm nhân viên ngân hàng này sống trong cảnh bất an.
Theo thống kê, cuối năm 2016, tổng số nhân sự của PGBank là 1.442. Tuy nhiên số nhân sự không ổn định, trong năm phải tuyển thêm 281 người; nghỉ việc 257 người, trong đó có nhiều nhân sự chủ chốt. Tỷ lệ lao động nghỉ việc năm 2016 ở PGBank khá cao, chiếm 17,8%. Lí do nhiều người nghỉ việc là do ngân hàng hoạt động cầm chừng, làm ăn kém hiệu quả; nghỉ để tìm kiếm cơ hội ở những ngân hàng khác.
Không chỉ người lao động ngán ngẩm, nhiều cổ đông ngân hàng cũng tỏ ra bức xúc khi tương lai ngân hàng không biết sẽ đi về đâu, cổ tức ba năm nay chưa có, trong khi Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo chưa có biện pháp hữu hiệu vực dậy ngân hàng, chỉ để hoạt động cầm chừng, chờ sáp nhập với ngân hàng khác. Tại Đại hội đồng thường niên năm 2017 của ngân hàng này, cổ đông đề nghị HĐQT cho biết tại sao việc sáp nhập lại kéo dài và đề nghị phải có thái độ dứt khoát là có sáp nhập hay không, để từ đó có định hướng phát triển. Cổ đông cũng truy cứu việc tại sao không đạt kế hoạch kinh doanh 2016.
Trong khi ngân hàng làm việc cầm chừng, kém hiểu quả thì các thành viên HĐQT của PGBank nhận thù lao tổng cộng hàng tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo của PGBank đồng thời cũng là lãnh đạo của Petrolimex. Tổng thù lao của họ nhận mỗi năm từ ngân sách nhà nước cũng lên đến hàng tỷ đồng. PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.