Ngày 21/12, VPBank công bố mức lãi suất huy động mới nhất theo hướng điều chỉnh tăng vài kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng lên 5,2%, tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 13 tháng cùng lên 6,9% mỗi năm, tăng 0,4% so với mức cũ.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hôm 15/12 cũng đã chính thức áp biểu lãi suất huy động mới với mức tăng 0,1-0,2%. Theo đó, nhà băng này đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6% một năm, 3 tháng lên 5% mỗi năm và 6 tháng là 5,6%.
Trước đó vài ngày, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã nâng biểu lãi suất tiền gửi thêm 0,2-0,4% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,3% tăng lên 5,5% một năm, 6 tháng hiện là 6,5% mỗi năm (trước là 6,1%)... Hiện nay mức lãi cao nhất của ngân hàng này là 7,7% với kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng.
Những ngày nửa cuối tháng 12/2016, thị trường cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác như TPBank, Techcombank... tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần quy mô lớn có trụ sở tại TP HCM, đây là thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp sẽ rút tiền ra chi trả lương thưởng, còn cá nhân thì lấy tiền về để sắm sửa Tết. Do đó, nguồn vốn tạm thời sẽ bị rút ra nên các ngân hàng phải tìm cách để tăng huy động cân đối.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, các nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng... Theo các chuyên gia, động thái này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ cũng gồng mình để níu chân khách hàng nhằm đảm bảo thanh khoản.
Dấu hiệu căng thẳng thanh khoản phần nào được phản ánh qua diễn biến lãi suất trên thị trường 2 gần đây. Trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại ở cả ba loại kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,25%, đạt mức 5,1% một năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,17%, lên mức 5,11% và kỳ hạn 2 tuần tăng 0,95% đạt mức 5,07% mỗi năm.
Việc tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn trên thị trường 2 cho thấy thanh khoản trên thị trường này không còn dồi dào và Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế việc cung tiền thông qua kênh tín phiếu của cơ quan này. Từ đó, thanh khoản trên thị trường 2 ít có khả năng hỗ trợ tốt cho thị trường một, nhất là vào tháng cuối năm.
Ngoài ra, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25-0,5% lên 0,5-0,75% cũng khiến cho sức mạnh của đồng USD ngày càng tăng và tạo áp lực phần nào lên tỷ giá USD/VND. Trong trường hợp tỷ giá tăng, lãi suất tiền đồng sẽ phải nhích lên và ở một mức chênh lệch đủ hấp dẫn người dân không dịch chuyển từ VND sang USD.