“Mất” kiểm soát ùn tắc giao thông
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay đang ở mức rất nghiêm trọng, các cửa ngõ ra vào thành phố cũng như các đường trục chính đều gặp tình trạng ùn tắc. Đặc biệt, vào mỗi giờ cao điểm các phương tiện tham gia tăng đột biến khiến giao thông trở nên ùn tắc kéo dài và xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho Hà Nội với kinh phí 2.167 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong vô vàn giải pháp mà Hà Nội hay các thành phố khác ở Việt Nam đề xuất để giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, liệu những giải pháp này liệu có hiệu quả khi mà hàng loạt cao ốc vẫn không ngừng mọc lên ở những khu đất vàng tại tại đô thị, ý thức của người tham gia giao thông kém và thiếu quyết tâm của chính quyền?
Tại Hà Nội những năm qua, dù được mở rộng nhưng áp lực giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Vũ Trọng Phụng, Hồ Tùng Mậu… tăng đột biến. Ngay cả con đường rộng lớn như Phạm Hùng, Đường Láng, đường Nguyễn Chí Thanh cũng thường xuyên ách tắc.
Một trong những nguyên nhân là do hàng loạt chung cư kết hợp trung tâm thương mại mọc lên dẫn đến mật độ dân số, hoạt động của đô thị ngày càng tăng và vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều yếu tố khác làm cho ách tắc giao thông ở Hà Nội trở nên kinh hoàng. Đơn cử, chủ trương di dời các nhà máy, trường đại học và cơ quan nhà nước ra khỏi trung tâm thành phố đã có từ lâu nhưng việc thực hiện vô cùng chậm chạp.
Không chỉ vậy mỗi khi nhà máy, cơ quan di dời đáng lẽ thay vào đó là những công trình công cộng, dân sinh thì lại thay thế là những dự án bất động sản với những tòa nhà cao tầng. Điều này không những làm cho hoạt động giao thông giảm mà còn gia tăng rất mạnh khiến cho tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên trầm trọng. Việc từ bỏ những mảnh đất vàng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để làm công trình xã hội hoặc nhà thấp tầng tạo ra lợi nhuận ít không phải là dễ dàng.
Với TP.HCM, nếu trước kia ùn tắc giao thông tại đây chỉ xảy ra ở một số điểm cửa ngõ thành phố vào giờ cao điểm thì hiện nay tình trạng ùn tắc ngày càng trở nên nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều nút giao thông và không theo một quy luật nào, gây bức xúc cho người dân.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, tình hình kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, không chỉ vào giờ cao điểm. TP.HCM ngày xưa ít dân, chỉ có một lõi trung tâm, nhưng hiện nay là đa cực, đa trung tâm. Quy hoạch lại không phân khu rõ ràng, không tách thành các đô thị vệ tinh. Trong khi người dân các quận như Gò Vấp, Tân Bình, quận 12… có nhu cầu tới quận 4, quận 7 sẽ phải đi xuyên cắt qua các quận trung tâm nên ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng.
“Có nhiều bất cập khiến ùn tắc giao thông. Thứ nhất là không cân đối giữa nhu cầu đi lại, hạ tầng và giao thông đô thị. Bất cập thứ hai đó là đô thị TP HCM hiện nay quy hoạch phát triển đa cực và không kiểm soát được. Đây là thách thức và rủi ro lớn của ngành giao thông” - TS Phạm Sanh phân tích.
Những lưu ý của Thủ tướng Chính phủ
Trở lại với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trên đây, Văn phòng Chính phủ cho biết: Xét báo cáo về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP HCM, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan như: Công an, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia... và UBND 2 TP Hà Nội, TP HCM tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị quyết về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM để thay thế Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6 tới.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, các bộ ngành phải lưu ý các giải pháp về không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phong trào tự quản... cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, trong văn bản chỉ đạo về điều chỉnh cục bộ quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng tại các khu vực ngoại ô thành phố, góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân.
Còn tại phiên họp Chính phủ hồi cuối 2016, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn phê bình Hà Nội vì đã cho xây quá nhiều nhà cao tầng tại khu vực trung tâm. Khi ấy, Thủ tướng nói: “Hà Nội ùn tắc giao thông cũng có phần do thành phố cho xây quá nhiều nhà cao tầng. Tôi nói thật để các đồng chí biết, thành phố đã cấp phép tràn lan, cho xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô. Tôi yêu cầu không được để như thế nữa”.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cũng tỏ ra không hài lòng với những tồn tại của công tác quản lý hạ tầng, quy hoạch, nhất là tại Hà Nội và TP HCM, và yêu cầu phải chấn chỉnh.
“Tôi yêu cầu tất cả các địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội cần nghiêm túc rà soát lại, cần chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn. Tôi đề nghị các đồng chí không được vì lợi ích trước mắt, thậm chí lợi ích nhóm mà quên lợi ích của cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào cũng không đủ mà giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng…” - Thủ tướng nói.