Báo cáo kết quả công tác tháng 10/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong tháng 10/2021, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội nên tình hình tội phạm tăng so với tháng 9/2021 nhưng vẫn giảm sâu so với tháng 10/2020 (giảm gần 18%).
Tội phạm giết người giảm nhưng nổi lên tình trạng sát hại người thân do mâu thuẫn tình cảm gia đình; xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất manh động, liều lĩnh. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ nổi lên tình trạng các đối tượng thông đồng nâng giá đấu thầu mua sắm hàng hoá, trang thiết bị lên nhiều lần giá trị thực tế để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ…
Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, cướp, cướp giật, đánh bạc… góp phần xây dựng xã hội an toàn. Trong tháng, đã điều tra khám phá hơn 2.700 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 5.331 đối tượng; triệt phá 80 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú 633 đối tượng truy nã…
Công an phát hiện 52 vụ, 100 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 44,44% số vụ, tăng 5,26% số đối tượng so với tháng trước); điều tra xử lý 48 vụ buôn lậu, 65 vụ sản xuất buôn bán hàng cấm. Tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm trên các tuyến trọng điểm, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy phức tạp; đã phát hiện 1.888 vụ, 2.755 đối tượng về ma túy…
Trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định về định danh xác thực điện tử và Quyết định về cung cấp dữ liệu cho cơ sở quốc gia về dân cư khi thực hiện kết nối, chia sẻ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tại Hội nghị, đề cập tới nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 11 và các tháng cuối năm, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu toàn lực lượng phải bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sư kiện chính trị, văn hoá, xã hội quan trọng; tập trung hoàn thành các đề án, nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với hoạt động người Việt Nam đứng tên thay người nước ngoài để mua nhà ở, nhận chuyển nhượng, cho thuê đất trái pháp luật; tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm soát biên giới, cửa khẩu, lối mở, đường mòn, xử lý kịp thời tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.
Bộ trưởng Công an yêu cầu tiếp tục tăng cường phòng, chống tội phạm trong và sau dịch bệnh, thực hiện mục tiêu giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội so với 2020. Tập trung điều tra, phối hợp cơ quan tố tụng đưa ra xét xử sớm các vụ án điểm liên quan đến công tác phòng chống dịch. Tổ chức cao điểm đấu tranh truy bắt đối tượng truy nã, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đảm bảo tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến trọng điểm, nhất là các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam bộ.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định về việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận chuyển nhượng QSDĐ của cá nhân nước ngoài nên không có việc chứng nhận QSDĐ cho cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, pháp luật về đất đai quy định được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, trong trường hợp thực hiện dự án ở xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, hoặc được thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Các doanh nghiệp đó không được nhận chuyển QSDĐ, mà chỉ được nhận chuyển nhượng vốn (trong đó giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa) theo pháp luật đầu tư.