Tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Theo đó, đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh có giá trị từ 700 triệu đồng mỗi năm. Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Lo ngại “gánh” thêm thuế
Mặc dù đại diện Bộ Tài chính “trấn an” rằng: “Với phương án này, có đến 90% nhà ở nông thôn sẽ không bị đánh thuế” nhưng sau đề xuất trên, người dân hết sức lo ngại vì sắp phải chịu thêm một “gánh nặng”. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng đề xuất trên là không phù hợp và đưa ra quan điểm phản biện.
Bàn luận về đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Bởi lẽ, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện tại, Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Thực tế, rất nhiều công nhân, người lao động, công chức viên chức trẻ phải khó khăn, vay mượn mới mua được căn nhà trị giá xấp xỉ 1 tỷ đồng; nay họ lại phải chịu thêm một khoản thuế như đề xuất trên là không hợp lý. Vậy nên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không?
Dựa trên 2 nguyên tắc trên ông Hiếu cho rằng, đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý. “Căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của Nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.
“Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (của căn nhà mà thôi” – TS Hiếu nói và cho hay, thay vì đánh thuế nhà ở, chúng ta nên đánh thuế đất từ 1-5% giá trị của đất là phù hợp với thu nhập cũng như điều kiện của người dân hiện nay.
Trong khi đó, ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) việc Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm là 700 triệu với mức thuế xuất 0,4% thì cần phải xem xét lại. Bởi với cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là những người đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội càng không phải là những người cần điều tiết.
ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, thuế đương nhiên tạo ra những nguồn thu cho ngân sách, nhưng không phải vì chi tiêu ngân sách thâm hụt mà nghĩ ra việc thu nhiều loại thuế hơn để bù vào thâm hụt ngân sách, mà phải nghĩ đến làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế tạo ra nhiều nguồn thu hơn. Theo ông, trên thế giới người ta còn chỉ ra rằng có nhiều loại thuế giảm thì nguồn thu ngân sách nhiều hơn.
Phải cân nhắc kỹ
Xung quanh đề xuất trên của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: Bộ Tài chính đưa ra mức 700 triệu đồng để đánh thuế là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. Người dân đã phải bỏ tiền ra, phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu. Cộng thêm với đề xuất đánh thuế ôtô và các loại thuế khác như thuế môi trường trong xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy bị sốc.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng lo ngại, đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính có thể gây ra tình trạng “thuế chồng thuế” do người tiêu dùng, người mua nhà vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản. Nghiêm trọng hơn, sắc thuế này sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản, làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.
Bàn về đề xuất đánh thuế đối với nhà trên 700 triệu đồng, Luật sư Đặng Văn Luân (Văn phòng Luật sư Miền Bắc, Hà Nội) cho rằng, đề xuất này không hợp lý và đang tạo sự quan ngại sâu sắc trong đại bộ phận dân cư. Ông Luân cho rằng, không hiểu Bộ Tài chính căn cứ vào cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn nào để đề xuất mức 700 triệu đồng trong khi hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến hạn mức này. Tại sao không phải là 500 triệu hay 1 tỷ mà lại là 700 triệu? Bên cạnh đó, về nguyên tắc thu nhập có được để sở hữu nhà đất, người dân đã phải chịu nhiều khoản thuế, phí (thuế sử dụng đất ở, thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ, phí cấp mới giấy chứng nhận.v.v.); nay nhà cứ có giá trị trên 700 triệu là thu tiếp một khoản thuế nữa thì sẽ là thuế chồng thuế, rất thiệt thòi cho người dân.
“Cá nhân tôi cho rằng việc đánh thuế như vậy là đã đánh cả vào người có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải chỉ đánh thuế với người giàu. Để sở hữu một ngôi nhà, người dân đã phải chịu quá nhiều khoản thuế, phí; với người thu nhập thấp, còn phải vay mượn thì càng cơ cực trăm bề, vậy nên Bộ Tài chính phải cân nhắc kỹ. Một chính sách phải hợp lòng dân mới có tính khả thi, mới đi vào cuộc sống”- Luật sư Luân nêu quan điểm.