Việc SCTV bất ngờ tăng giá cước, một số kênh truyền hình cáp đột nhiên thay đổi toàn bộ chương trình đang có, quảng cáo tràn lan... đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng từ phía khán giả. Thế nhưng, sau một thời gian, các nhà đài vẫn không có động thái gì ngoài việc... im hơi lặng tiếng.
Đổi kênh đột ngột, người xem hụt hẫng
Vừa qua, rất nhiều khán giả đã gọi đến Trung tâm dịch vụ của STVC để phàn nàn về việc kênh chuyên về thể thao Super Sport 3 với nhiều chương trình hấp dẫn của nước ngoài bị thay bằng kênh Bóng đá TV với chất lượng hình ảnh rất kém.
Chọn kênh nào đây? |
Tương tự, thời điểm tháng 8/2010, khán giả của HTV3 bất ngờ vì nhiều chương trình “tủ” của họ bỗng dưng bị đình lại. Nhiều phim truyền hình giải trí đang giúp HTV3 thu hút khán giả như “Cá rô em yêu anh”, “Những bà nột trợ hành động” đã bị thay bằng... phim hoạt hình.
Theo sự giải thích của nhà đài, việc dừng phát sóng các chương trình tren là để nhà đài “nâng cấp chất lượng phát sóng”. Hỏi ra mới biết, kênh này bị Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch “thổi còi” vì vi phạm đăng kí phát sóng (ban đầu, kênh này đăng kí chức năng phát sóng là kênh dành cho thiếu nhi). Vì vậy, việc trở lại phim hoạt hình mới đúng là... chương trình chính của HTV3.
Tuy nhiên, khán giả hoàn toàn không biết điều này, nhiều người chờ đợi tận 2 tháng trời mà việc “nâng cấp” vẫn chưa xong và các chương trình quen thuộc vẫn chưa quay lại, phía đài cũng không thông báo gì thêm cho người xem. Kết quả là số khán giả theo dõi kênh truyền hình này tụt xuống chỉ còn... 1/10.
Trước đó, HTV2 cũng làm người xem hụt hẫng vì chuyển từ kênh phim truyện sang kênh thể thao, vì thể thao mới là đúng theo đăng kí ban đầu của đài này.
Dư kênh, thiếu chất lượng
Để cạnh tranh, nhiều nhà đài đã áp dụng một cách rất “cổ điển” là “lòe” khán giả bằng số lượng kênh. SCTV có hơn 70 kênh, HTVC 54 kênh... Trên thực tế, không ít khán giả đã bị thu hút bởi chiêu bài này của nhà đài để rồi sau đó thất vọng. Một khán giả nhận xét: “Trong số vài chục kênh truyền hình cáp, có chưa đến 20 kênh là có thể coi được. Xem thường xuyên thì chỉ tầm chưa đến 10 kênh”.
Kênh phim truyện thiếu phong phú (các phim được chiếu đi chiếu lại trong thời gian rất ngắn), hiếm thấy các chương trình khám phá cuộc sống, cung cấp kĩ năng... là nhận định của nhiều khán giả truyền hình trả tiền hiện nay. Thay vào đó, chiếm một mật độ dày đặc trên các kênh truyền hình trả tiền là các chương trình game show, talk show, ca nhạc và... quảng cáo.
Game show, talk show, ngay cả ở các đài lớn như VTV, HTV, đã bị phê phán nhiều vì thiếu chất lượng, nhưng còn “đỡ” hơn nhiều so với các kênh truyền hình cáp. Chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, nhiều gameshow được dàn dựng hết sức sơ sài, phản cảm, nhiều chương trình tấu hài rất nhố nhăng... Yan TV, Year 1... là các kênh thường xuyên bị các bậc phụ huynh phản ứng vì quá lố, có thể gây lệch lạc trong thị hiếu của thanh thiếu niên.
Quá nhiều kênh nhưng thiếu chương trình để phát, ngoài lấp chỗ bằng việc phát đi phát lại một số phim ăn khách, đa phần các đài cáp, kĩ thuật số “thâu nhận” những chương trình chất lượng kém mà các đài truyền hình chất lượng không bao giờ chấp nhận phát sóng. Vì thế, người ta thấy nhan nhản trên truyền hình trả tiền các kênh ca nhạc dành riêng cho... nhạc thị trường. Những ca khúc, video clip ca nhạc lời lẽ thô thiển, rẻ tiền, kéo lệch thẩm mỹ âm nhạc người xem bị báo đài, công chúng phê phán túi bụi đều có chỗ đứng trên các đài này.
Chưa hết, không có chỗ trên các kênh truyền hình chất lượng của VTV, HTV, nhiều quảng cáo vi phạm về văn hóa, quảng cáo sai sự thật đã tìm đến với các kênh truyền hình trả tiền để tiếp cận người xem. Quảng cáo chiếm rất nhiều thời lượng trên các đài cáp, nhiều chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng, máy tập thẩm mỹ lên đến hàng tiếng đồng hồ. Thế nên, một thời gian dài, hết vòng titan chữa bệnh bị phanh phui lừa bịp, đến máy mát-xa tổn hại sức khỏe, bột tẩy trắng, máy đuổi chuột không bằng 1/10 hiệu quả mong muốn... đều xuất phát từ quảng cáo trên truyền hình trả tiền...
Có một động thái mà đáng ra tất cả các kênh, đài truyền hình cần làm là thăm dò ý kiến khách hàng, thì hầu như các kênh truyền hình của Việt Nam chưa hề làm được. Thay vào đó, khán giả Việt Nam ở vào thế “cho gì xem nấy”. Chăm chăm vào tăng quảng cáo, tăng doanh thu nhưng lại “bỏ quên” khâu chất lượng, truyền hình trả tiền đang dần đánh mất đi khán giả của mình.
Ngọc Mai