Từ năm 2007, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập công ty cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.
Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.
Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1ha, trong đó 741,3ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.
Sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số Bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án Sắt Thạch Khê.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi các Bộ, ngành và Chính phủ mới đây, TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Cụ thể, TKV nêu ngày 10/2, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khkhoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.
Trước đó, TKV cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với TIC. Được biết, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cùng với tiền nộp chậm TIC bị cưỡng chế thực hiện hơn 819 tỷ đồng.
TKV đề nghị Chính phủ xem xét cho phép TIC được tiếp tục lùi thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến khi được cấp thẩm quyền cho phép tái khởi động dự án và không bị tính tiền nộp chậm trong thời gian tạm dừng dự án.