Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát việc cho vay đối với các dự án đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, Điều này vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn để triển khai dự án, đồng thời phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm soát dư nợ tránh tăng nợ xấu vượt ngưỡng cho phép.
Tính đến hết quý II/2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoảng 425.025 tỷ đồng, tăng 35,99% so với thời điểm kết thúc năm 2014, tăng 8,2% so với cuối năm 2015 và giảm nhẹ ở mức 0,61% so với cuối tháng 5/2016.
Trong số này, nếu so sánh với thời điểm kết thúc năm 2015 thì dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê đang dẫn đầu với 140.581 tỷ đồng, tăng 5,15%; tiếp đến là dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị dẫn đầu với 88.376 tỷ đồng, tăng 25,62%; dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, xây nhà để bán, cho thuê là 31.925 tỷ đồng, giảm 8,91%; dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 31.228 tỷ đồng, giảm 5,13%; dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất là 25.901 tỷ đồng, giảm 4,65%. Dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 92.634 tỷ đồng, tăng 15,65%.
Về nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chốt số liệu đến hết quý II/2016 thì dư nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 15.726 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 425.025 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này.
Cùng với các kiến nghị liên quan đến vốn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời các chủ đầu tư dự án bán nhà khi chưa đủ điều kiện theo quy định; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các dự án đã đủ điều kiện bán nhà cũng như các dự án đang bán nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định để người dân biết, tránh rủi ro khi mua nhà.