Theo đó, sân bay Gò Găng dự kiến được xây dựng trên đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu. Diện tích toàn sân bay khoảng 248,5ha, trong đó diện tích khu TCty trực thăng Việt Nam quản lý 91,2ha, diện tích đất khu bay dùng chung 75ha, diện tích khu hàng không chung 20ha và diện tích khu dịch vụ phát triển hàng không 62,2ha.
Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.258 tỷ đồng.
Chủ tịch tỉnh đề nghị Sở GTVT phối hợp các ngành liên quan rà soát lại tổng thể quy hoạch, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cũng như rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất đai trong dự án.
Đơn vị tư vấn được đề nghị làm rõ mục tiêu về đường băng, độ dài, rộng, khả năng khai thác, sử dụng lâu dài, quỹ đất dự phòng... Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ thông tin, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay Gò Găng.
Sân bay Gò Găng được lựa chọn đầu tư xây dựng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện tại vì có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí, quỹ đất, thuận tiện cho việc khai thác của các đơn vị, phù hợp với quy hoạch chung.
Sân bay Vũng Tàu nằm ở trung tâm TP Vũng Tàu, hiện được TCty trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) quản lý và khai thác cho các chuyến bay trực thăng phục vụ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh, với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nhanh của dân cư, việc khai thác sân bay Vũng Tàu ở ngay trung tâm thành phố đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếng ồn và khí thải trực tiếp trong quá trình khai thác đã ảnh hưởng đến người dân và môi trường đô thị.
Đồng thời, các hoạt động bay qua khu trung tâm TP, đông đúc dân cư sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi có sự cố mất an toàn bay sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sự phát triển rất nhanh của TP Vũng Tàu sẽ cần nhiều quỹ đất để xây dựng, trong khi sân bay lại chiếm một diện tích lớn ở vị trí đất rất có giá trị và tiềm năng kinh tế. Do đó, việc di dời sân bay Vũng Tàu ra khỏi khu trung tâm thành phố là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.