Cuộc đối thoại trên là một trong những cuộc họp diễn ra trong ngày làm việc thứ 6 của Hội nghị Các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM 2) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, quá trình đô thị hóa đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong các nền kinh tế thành viên APEC. Khoảng 60% dân số, tức khoảng 1,8 tỷ người, của khu vực đang sống ở các đô thị và con số này dự kiến sẽ đạt mức 77% vào năm 2050. Ở một số nền kinh tế, mức độ đô thị hóa sẽ đạt trên 80% trong khi tiến trình đô thị hóa ở một số nước khác cũng diễn ra nhanh chóng. Trong tương lai, 14/37 siêu đô thị sẽ nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, xu thế đô thị hóa và vai trò gia tăng của đô thị hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đặt ra những vấn đề và thách thức to lớn, đòi hỏi các nước phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý và phát triển đô thị. “Tại Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững hôm nay, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác, tạo ra động lực mới cho quá trình đô thị hóa bền vững, phù hợp với các tiêu chí của các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp quốc”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tại Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống đô thị Việt đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị ở năm 2009 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị vào năm 2016. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng và trong cả nước.
Song, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, tương tự nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ phát triển quá nhanh vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương, sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, di cư thiếu kiểm soát, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị- nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên... cùng nhiều vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. “Những vấn đề trên đang là một thách thức rất lớn cho tiến trình phát triển tiếp theo của Việt nói riêng và tôi tin rằng đây cũng là những vấn đề chung đối với các nước đang phát triển trong khu vực APEC”, Thứ trưởng Linh nói.
Tại Đối thoại, các đại biểu đã nêu một số trở ngại tác động tới tính hiệu quả của đô thị hóa bền vững như các chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa chú ý đến các tiêu chí như mật độ dân số trong phát triển đô thị; thiếu điều phối và gắn kết phát triển cơ sở hạ tầng; chưa quan tâm đầy đủ đến việc kết nối kinh tế nông thôn – đô thị; chính sách về hộ khẩu làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận cơ hội việc làm và dịch vụ xã hội của những người nhập cư…
Một số giải pháp khác cũng được đưa ra tại Đối thoại như nâng cao thể chế, cải tạo cơ sở hạ tầng; cải cách thị trường đất đai; tăng cường hợp tác trong quy hoạch ở cấp trung ương và địa phương; lập danh mục các thành phố nhằm cân bằng đô thị hóa trên phạm vi cả nước…