Theo khảo sát của chúng tôi, giá bán NOXH khu vực Hà Nội đang có biểu hiện ngày càng đắt dần lên. Đơn cử, dự án NOXH tại 143 Trần Phú (Hà Đông) do Cty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà – SDU (thuộc TCty Sông Đà) làm chủ đầu tư, có giá tạm tính ở mức 16 triệu đồng/m2 (tính cả thuế, phí bảo trì). Đây đều là mức giá tạm tính, vì dự án NOXH phải chờ quyết toán xong mới có giá chính xác.
“Chẳng may, quá trình xây dựng mất đôi - ba năm, nếu chi phí xây dựng bị trượt giá thì rất có thể khách hàng còn phải nộp thêm tiền cho chủ đầu tư. Khi đó, khó có thể nói giá NOXH là rẻ” – Kiến trúc sư Lê Minh Hải, đồng thời cũng là một người đang quan tâm tìm hiểu các dự án NOXH nhận định.
Trong khi đó, các dự án nhà ở thương mại cùng khu vực giá lại rẻ hơn nhiều. Ví như, dự án chung cư Viện 103 Văn Quán đang được rao bán trên thị trường từ 13,9-14,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án chung cư thương mại ở 110 Trần Phú hiện đã xây xong thô và đang bán với giá từ 18–18,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT).
Ảnh minh họa |
Dự án NOXH tại 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) do Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư cũng có mức giá tới khoảng 14,9 triệu đồng/m2. Khảo sát mức giá ở một số dự án NOXH, kể cả dự án đang trong quá trình chuyển đổi, mức giá cũng không rẻ hơn so với mức giá trên.
Rõ ràng thị trường bất động sản đang chứa đựng nghịch lý khi phân khúc nhà thương mại xuất hiện loại căn hộ chỉ 10 - 14 triệu đồng/m2 thì NOXH lại có giá 16 triệu đồng/m2.
Cách đây ít lâu, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, tùy từng điều kiện, loại nhà xây dựng có giá thành khác nhau thì sẽ có giá bán khác nhau.
“Việc cần có giá trần cho NOXH là không hợp lý. Đã có quy định chỉ cho phép chủ đầu tư lãi 10%, như thế cũng là khống chế giá thành cho NOXH rồi, chứ không thể quy định họ phải bán 8 triệu hay 10 triệu đồng/m2. Có những nơi sẽ phải xử lý nền móng phức tạp thì tốn kém, giá sẽ tăng. Không thể khống chế mức giá cố định mà chỉ có thể khống chế trên cơ sở lãi định mức của doanh nghiệp mà thôi” - ông Hà phân tích.
Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, đã là NOXH thì phải khống chế giá và cần phải có mức giá trần cho NOXH. “Trước hiện tượng giá NOXH cao hơn giá nhà thương mại thì cơ quan quản lý nên xem xét lại, tránh tình trạng NOXH bị “đẩy” giá quá cao; cần có biện pháp để buộc chủ đầu tư hạ giá” - ông Liêm nói.
Giá cao, thủ tục ngặt nghèo…
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù dự án NOXH được Nhà nước hỗ trợ nhưng đất đai là của doanh nghiệp. Nhà ở tùy thuộc rất nhiều vào vị trí. Nhà ở thương mại ở xa thì giá còn rẻ hơn NOXH mà ở gần trung tâm nơi có giá đất cao.
Thực tế cho thấy, để có thể mua được một căn NOXH, người mua sẽ phải bước qua nhiều “cửa ải”, như hoàn tất thủ tục để chứng minh đủ điều kiện được mua nhà, chứng minh khả năng trả nợ nếu có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ của Nhà nước, sẽ chỉ được chuyển đổi sau 5 năm… Vì thế, nếu giá NOXH vẫn cao hơn nhà thương mại, đặc biệt là nhà thương mại đủ điều kiện vay gói ưu đãi lãi suất 30 nghìn tỷ đồng, thì có thể dễ hiểu người nghèo, người thu nhập thấp sẽ “quay lưng” với NOXH để chọn giải pháp an cư dễ chịu hơn.
“Có nơi chỉ bán 8,7 triệu đồng/m2, có nơi bán giá 11-12 triệu đồng/m2, người dân được uyền lựa chọn mua, không ai bắt phải mua chỗ này, chỗ kia. Nếu giá NOXH cao quá thì người dân không mua nữa, đi mua nhà ở thương mại” – ông Nguyễn Trần Nam bày tỏ quan điểm.
Ông Phạm Sỹ Liêm đặt vấn đề: “Với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước với chủ đầu tư NOXH nhằm kéo giá nhà thấp hơn nhà ở thương mại, thế nhưng hiện thị trường thực tế lại đang diễn biến ngược lại thì không hiểu những ưu đãi của Nhà nước với dự án NOXH đi đâu?”.