Trong số 12 dự án, có 4 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) do DN thực hiện quy mô trên 3.300 căn gồm dự án dành cho công nhân hai Khu công nghiệp Tân Bình (Tân Phú), Đông Nam (Củ Chi), NƠXH Lê Thành (Bình Chánh) và một dự án tại xã Long Thới (Nhà Bè). Sáu NƠXH sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn hộ thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và TP Thủ Đức.
Hiện, mỗi m2 NƠXH có giá 20-25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng/căn. Người mua được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm. Người lao động tải ứng dụng của Trung tâm quản lý nhà vào điện thoại hoặc vào trang web của sở để theo dõi thông tin dự án.
Với các dự án NƠXH vốn ngoài ngân sách, người lao động muốn mua nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, Sở Xây dựng thẩm định lại.
Ông Quân cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, TP sẽ có thêm gần 484.000 căn hộ, tương ứng hơn 50 triệu m2 sàn, trong đó NƠXH, nhà cho công nhân thuê là 2,5 triệu m2 sàn với trên 35.700 căn.
Ngoài ra, TP phấn đấu phát triển thêm 3,1 triệu m2 sàn với hơn 56.700 căn NƠXH, nhà lưu trú, nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ, người sống trên ven kênh rạch, các khu chung cư cũ phải tháo dỡ...
Để thực hiện kế hoạch, Sở Xây dựng tham mưu TP rà soát các quỹ đất trong khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao chưa đầu tư xây dựng, để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng.
Tại lễ động thổ nhà cho công nhân khu chế xuất, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đề nghị Sở Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở cho công nhân để tham gia gói tín dụng 40.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi phát triển kinh tế. Thời gian tới, TP sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu để thu hút nhiều DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú công nhân.
Theo số liệu của Sở Xây dựng, sau 15 năm, TP HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án NƠXH, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trước đó, tại Hội nghị tiếp xúc của HĐND TP với hơn 400 lao động nữ, một số công nhân nói thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng mỗi tháng, phải trang trải nhiều thứ nên việc tích lũy mua nhà ở TP HCM là điều không thể.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Trần Thị Diệu Thúy, qua khảo sát của công đoàn, phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP HCM xác định chỉ ở TP làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân thu nhập của họ thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả hàng tháng.
Kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện mới đây chỉ ra khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở TP có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập chi trả chỗ ở. "Phát triển nhà cho thuê sẽ giải quyết vấn đề chỗ ở đạt tiêu chuẩn dễ dàng hơn là xây bán và phù hợp với nhu cầu thực tế của lao động", bà Thúy nói.