Trước đó, UBND tỉnh này gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả đối với 35 dự án trên địa bàn tỉnh. Sai phạm tại các dự án trên xảy ra từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2017, qua kiểm tra, thanh tra đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ kết luận, yêu cầu khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo, tỉnh đã thành lập Tổ công tác 52 gồm 22 thành viên để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện toàn diện các nội dung liên quan. Tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất đã giao của 8 dự án, 24 dự án đang được xác định lại giá đất và 3 dự án còn lại đang có đơn thư khiếu nại. Tổng số tiền sai phạm tại các dự án giao "đất vàng" cần thu hồi, xử lý khoảng 1.044 tỷ đồng, nhưng tính đến 28/4 chỉ mới thu được hơn 66,6 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh đã ban hành 12 quyết định thu hồi việc miễn, giảm tiền sử dụng đất không đúng tại 11 dự án với số tiền trên 201 tỷ đồng, nhưng chỉ có 9 chủ đầu tư nộp lại hơn 60,2 tỷ đồng; 5/9 chủ đầu tư nộp 5,3 tỷ đồng là tiền chậm nộp.
Về xử lý chênh lệch tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng vốn nhà nước không đúng quy định, tỉnh yêu cầu bổ sung phần chênh lệch theo kết luận thanh tra là 20,6 tỷ nhưng mới chỉ 1 DN nộp lại 48 triệu đồng, một số DN đang khiếu nại. Đối với xử lý chênh lệch giá đất, tiền thuê đất, tỉnh đã ban hành thông báo cho các DN nộp bổ sung 823,25 tỷ đồng, song các DN chưa hợp tác.
Theo UBND tỉnh, có 3 lý do đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý, thu hồi tài sản, tiền thất thoát.
Thứ nhất, việc thu hồi chênh lệch giá đất, tiền thuê đất khoảng 821 tỷ đồng đang mất nhiều thời gian vì một số dự án phải thuê đơn vị thẩm định giá; đơn vị thẩm định không muốn tham gia vì sợ trách nhiệm.
Thứ hai, về số tiền chênh lệch tăng thêm khi bán chỉ định tài sản trên đất cho DN thực hiện dự án, khi đề nghị nộp bổ sung thì DN không thực hiện vì cho rằng “không đủ cơ sở pháp lý”.
Thứ ba, với 6 dự án "đất vàng" đi vào hoạt động và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, đang gặp khó khăn khi xác định lại giá đất để thu hồi thất thoát. UBND tỉnh cho rằng 6 dự án này “không có cơ sở pháp lý” cho việc định giá lại để yêu cầu DN nộp bổ sung; hoặc nếu không định giá lại mà yêu cầu DN nộp số tiền theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì DN khó chấp nhận thực hiện với lý do “thiếu cơ sở pháp lý”.
Cả ba lý do nêu trên bị nhiều ý kiến đánh giá là chưa đủ sức thuyết phục.
Với lý do thứ nhất, chỉ những đơn vị thẩm định giá thiếu năng lực, yếu chuyên môn mới có cảm giác “sợ trách nhiệm”. Và nếu các đơn vị thẩm định giá tại địa phương từ chối, vì sao không mời đến các đơn vị ngoài tỉnh?
Với lý do thứ hai và thứ ba, chưa rõ cái được gọi là “không đủ cơ sở pháp lý” và “thiếu cơ sở pháp lý” là gì, cụ thể ra sao, tròn méo thế nào?
Nên nhớ, cơ quan tham mưu lĩnh vực đất đai cho tỉnh là Sở TN&MT đã từng tham mưu sai, nên mới có những dự án sai phạm như vậy. Rất có thể lại một lần nữa cán bộ đơn vị này không đủ năng lực chuyên môn, lại tham mưu thiếu chính xác một lần nữa.
Nên nhớ, nếu còn băn khoăn, địa phương có thể hỏi ý kiến các Bộ, ngành, lúc đó mới biết rõ ràng với một sự việc có “cơ sở pháp lý” hay không?
Nên nhớ, thường với bất cứ điều luật nào, nếu đã có quy định thế nào là hành vi vi phạm thì đồng thời cũng quy định phương thức xử lý.
Những lý do mà tỉnh đưa ra ngay sau khi Ban Bí thư vừa có chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Vì vậy, những lý do đó cần phải xem xét lại.