Theo báo cáo, Bộ Xây dựng là cơ quan lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, đơn vị các bộ, ngành cơ quan Trung ương và trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo Quy hoạch.
Báo cáo cho biết, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở, bộ, ngành theo đề xuất của Bộ là tập trung phát triển tại khu Tây hồ Tây với khoảng 35ha và một phần tại khu vực Mễ Trì.
Phương án di dời được chia thành 2 nhóm. Nhóm một là cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, thực hiện đầu tư xây mới và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ.
Với nhóm này, 7 cơ quan đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là: Bộ Nội vụ, TN&MT, KH&CN, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân. Đồng thời, trụ sở Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện.
Nhóm hai là 13 cơ quan đề xuất di dời. Với nhóm này, năm 2020, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây hồ Tây. Việc này sẽ làm cơ sở lập, hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở bộ, ngành.
Theo Bộ Xây dựng, đơn vị đã lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về đồ án Quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành tại Tây hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội.
Đến ngày 16/9, Bộ nhận đủ văn bản góp ý, trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai.
Bộ Xây dựng đang lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án, bao gồm phường Mễ Trì và Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, phường Xuân La quận Tây Hồ, phường Xuân Tảo thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022. Theo Bộ Xây dựng, đồ án sẽ trình Thủ tướng trong năm nay để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đưa ra quan điểm về việc này, Bộ Xây dựng nêu rõ công tác di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội còn chậm do đòi hỏi nguồn vốn lớn từ ngân sách. Trong khi đó, nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng.
Đồng thời, các bộ, ngành và Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng, bao gồm danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời.
Vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và xác định danh mục cơ sở, lộ trình dời.
Các Bộ: Y tế, GD&ĐT, LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Từ đó, lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Cũng trong báo cáo, về thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đánh giá thị trường này phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và BĐS.
“Thị trường BĐS 9 tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán”, theo báo cáo.
Lũy kế tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 9 tháng đầu năm tăng so cao với cùng kỳ năm 2018, nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý III. Giá BĐS vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đa số người dân.
Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, cơ quan quản lý cho biết cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp: Phổ biến là ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến 2025); Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường...
“Đặc biệt, giao dịch BĐS chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS còn khá phổ biến. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra. Các kết luận thanh tra đã chỉ ra các vi phạm và kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng.
Một số sai phạm điển hình như: Chuyển nhượng toàn bộ dự án khi chưa đủ điều kiện; Không công bố thông tin về dự án theo quy định; Kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính...
Tồn tại tình trạng không công khai, minh bạch trong thực hiện các giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch BĐS; tình trạng các nhân viên môi giới của các sàn chưa có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhưng vẫn hành nghề môi giới.