Điều kiện kinh doanh dẫn đến tình trạng “gần như độc quyền”
Theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước thông tin cho VCCI tại Dự thảo Báo cáo thì hiện nay, trên thị trường chỉ có 2 tổ chức cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng là Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) (đơn vị sự nghiệp công lập, thành lập, hoạt động theo cơ chế riêng) và Công ty Cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB) - hoạt động theo Nghị định 10/2010/NĐ-CP.
Như vậy, đây là thị trường gần như độc quyền, với chỉ 02 chủ thể cung cấp thông tin tín dụng hoạt động. Số lượng này về mặt lý thuyết có thể tăng lên vì Nghị định 10 cho phép gia nhập thị trường tự do, miễn là đáp ứng đủ các điều kiện. Tuy nhiên, với điều kiện “có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác” (điều kiện độc quyền về tiếp nhận thông tin) và với thực tế là ở Việt Nam hiện chỉ có hơn 40 ngân hàng, tối đa sẽ chỉ có 01 chủ thể nữa có thể gia nhập thị trường (với giả thuyết là công ty PCB hiện chỉ có 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin và CIC không phải tuân thủ điều kiện này).
Tình trạng “gần như độc quyền” này có thể dẫn tới việc các đối tượng được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng không có nhiều lựa chọn trong việc chọn chủ thể cung cấp thông tin và có thể phải chịu bất lợi trong giao dịch liên quan (ví dụ: có thể chịu chi phí cao; chất lượng dịch vụ chưa tốt trong khi không có lựa chọn nào khác).
Điều kiện kinh doanh có “quá mức cần thiết”?
“Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng” được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 (sửa đổi) Luật Đầu tư 2014. Nghị định 10 cũng quy định về các điều kiện kinh doanh đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, DN phải có đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo yêu cầu hoạt động, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng, có đội ngũ quản lý là những người có trình độ chuyên môn về tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, có phương án kinh doanh khả thi và không được kinh doanh ngành, nghề nào khác ngoài nội dung hoạt động thông tin tín dụng, có tối thiểu 20 Ngân hàng Thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các ngân hàng này không cam kết với công ty thông tin tín dụng khác, có văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa Công ty thông tin tín dụng với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết.
Theo VCCI, nhìn trên bề mặt, mục tiêu của các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 10 suy đoán là nhằm: bảo vệ lợi ích của khách hàng trong trường hợp công ty cung cấp thông tin tín dụng vi phạm pháp luật gây thiệt hại (điều kiện về vốn tối thiểu); bảo đảm năng lực chuyên môn đáp ứng nhu cầu của khách hàng và quy định liên quan của pháp luật, ví dụ như bảo mật thông tin…; bảo đảm nguồn cung cấp thông tin (điều kiện về việc phải có cam kết của các ngân hàng cung cấp thông tin).
“Nếu đúng là các mục tiêu này thì dường như các điều kiện kinh doanh hiện tại trong Nghị định 10 là vượt quá mức cần thiết. Điều kiện về vốn tối thiểu (30 tỷ), hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin theo Nghị định 10 chỉ giới hạn ở những thông tin cơ bản, không gắn với hiện trạng tài chính chi tiết của các chủ thể; các loại chủ thể có thể mua dịch vụ này cũng rất hạn chế. Do đó, thiệt hại có thể có từ hoạt động này không phải quá lớn (trong so sánh với các dịch vụ tài chính ngân hàng khác). Vậy điều kiện về vốn tối thiểu (30 tỷ) như trong Nghị định 10 có quá cao không?” – văn bản của VCCI gửi Ngân hàng Nhà nước nêu.
Theo VCCI, điều kiện về nguồn cung (20 ngân hàng cam kết, cam kết chỉ cung cấp độc quyền) có 02 vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, về số lượng tối thiểu các ngân hàng cam kết cung cấp thông tin, nguồn tin là vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh doanh của DN cung cấp dịch vụ này, nếu không có nguồn đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng, hoạt động kinh doanh sẽ không thể duy trì lâu dài, khách hàng sẽ nhanh chóng bỏ DN.
Vì vậy, từ chính nhu cầu kinh doanh, DN sẽ phải giành được nhiều nhất các cam kết cung cấp dịch vụ từ các ngân hàng, Nhà nước không cần, cũng không nên can thiệp vào vấn đề này. Việc DN có ít hay có nhiều ngân hàng cam kết cung cấp dịch vụ chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của DN , không gây ra bất kỳ tác động bất lợi nào tới các lợi ích công cộng mà Nhà nước cần bảo vệ. Vì vậy, điều kiện này dường như là không cần thiết.
Thứ hai, về điều kiện ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin cho một công ty cung cấp dịch vụ (mà không được cung cấp cho công ty nào khác). “Không rõ điều kiện này nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào? Một khi ngân hàng đã cung cấp thông tin cho một DN thì việc họ cung cấp cũng thông tin đó cho DN khác không làm tổn hại đến bất kỳ chủ thể nào khác (chú ý là thông tin ngân hàng được phép cung cấp là những thông tin được pháp luật cho phép cung cấp, tức là suy đoán không làm ảnh hưởng lớn tới các chủ thể liên quan). Vì vậy, điều kiện này không có ý nghĩa trong việc bảo vệ lợi ích công cộng nào, trong khi lại là yếu tố cốt lõi dẫn tới độc quyền trong lĩnh vực cung cấp thông tin như phân tích ở trên” – VCCI nhận định.
Trên thực tế, kể từ khi Nghị định 10 có hiệu lực, trong hơn 06 năm qua, chỉ có duy nhất 01 DN (công ty PCB) được cấp giấy phép hoạt động cung cấp thông tin tín dụng. Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có phải vì các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 10 vượt quá mức cần thiết, dẫn tới tình trạng độc quyền thực tế trong lĩnh vực này?
Nếu mục tiêu quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này là hạn chế các đối tượng tham gia vào hoạt động cung cấp thông tin tín dụng (và thị trường này không dành cho số đông) thì đây lại là vấn đề lớn (bởi mục tiêu này đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh của một nền kinh tế thị trường), cần được giải trình chi tiết và thuyết phục, đặc biệt là phải giải trình được sự cần thiết phải hạn chế số lượng chủ thể kinh doanh trong việc bảo vệ các lợi ích công cộng quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.