Vay tiêu dùng đã có khung pháp lý riêng
Nhận định về việc NHNN ban hành 2 Thông tư mới liên quan đến cho vay tiêu dùng của CTTC, bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam, một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực vay tiêu dùng trả góp tại thị trường Việt Nam cho rằng, với sự ra đời của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của các CTTC, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như một ngân hàng thương mại như trước đây.
“Đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng có ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các CTTC và ngân hàng thương mại, một loại hình hoạt động được xem là mới nhưng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây…”, bà Tiên phát biểu.
Ngoài ra, Thông tư 43 có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn…. Theo bà Tiên, những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo nhận định chung của một số CTTC, các thông tư này có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của CTTC lẫn khách hàng. Thông tư 39 về cho vay của TCTD với khách hàng đã nêu rõ TCTD (bao gồm cả CTTC) có thể thỏa thuận về lãi suất với khách hàng. Thông tư 43 và 39 đưa ra các quy định cũng nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho vay, ví dụ như yêu cầu áp dụng đơn đăng ký vay sẽ tùy thuộc quyết định của các TCTD.
Cùng với đó, việc yêu cầu niêm yết lãi suất theo năm trong hợp đồng sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về mức lãi suất mà họ phải trả, là căn cứ để khách hàng có thể so sánh với lãi suất ngân hàng, cẩn trọng hơn khi quyết định đi vay, mặc dù việc so sánh này chưa thật chính xác vì hoạt động của CTTC và ngân hàng rất khác biệt.
Thông tư cũng có quy định rõ ràng về thời gian nhắc nợ đối với khách hàng (từ 7h đến 21h). Mục tiêu của điều khoản này là nhằm bảo vệ khách hàng cũng như minh bạch hóa hoạt động cho vay tín dụng của các CTTC.
… 1 tháng để điều chỉnh hệ thống
Mừng là vậy, song không ít các CTTC như “đang ngồi trên đống lửa” khi thời hạn 2 Thông tư này có hiệu lực đang đến gần.
Theo đại diện Home Credit Việt Nam, các quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn… sẽ buộc CTTC phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp.
“Điều này sẽ có tác động lớn đến hoạt động của CTTC như Home Credit vì số lượng khách hàng của chúng tôi rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động. Chúng tôi sẽ phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng, và phải đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công Thương. Thời gian đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công Thương ít nhất là 20 ngày làm việc mới được phê duyệt trong trường hợp hợp đồng mẫu đầy đủ và hợp lệ. E ngại lớn nhất của chúng tôi là khi 2 Thông tư mới này chính thức có hiệu lực vào ngày 15/3, chúng tôi có thể sẽ không đủ thời gian để chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp nhằm tuân thủ các quy định mới…”, bà Tiên nói.
Ngoài ra, điều mà CTTC này cũng đang băn khoăn là với cách tính lãi quá hạn theo các quy định mới sẽ gây khó khăn hơn trong việc giải thích rõ ràng về mức phạt khách hàng sẽ phải nộp do mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá là khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các CTTC, do vậy việc thông tin rõ ràng và dễ hiểu hơn cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có kiến thức về tài chính chưa cao là một điều khá khó khăn.
Lường trước khó khăn nên từ khi các dự thảo văn bản ra đời CTTC này đã có sự trao đổi với các bộ phận trong công ty đặc biệt là tài chính – kế toán, nghiệp vụ, và công nghệ thông tin để chuẩn bị làm sao sửa đổi hệ thống cho phù hợp quy định pháp luật.
“Tuy nhiên, với những CTTC tiêu dùng có số lượng khách hàng hiện hữu lớn như Home Credit, gần 2 triệu khách hàng trên cả nước, việc sửa đổi hệ thống cần khá nhiều thời gian, trong khi nội dung chính thức của hai Thông tư chỉ mới được phổ biến tới các TCTD vào ngày 10/2 nên thời gian chuẩn bị khá gấp. Đây là thách thức lớn nhất mà chúng tôi đối mặt hiện nay, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cố hết sức để thực hiện đúng theo quy định của NHNN. Chúng tôi cũng mong muốn NHNN có thể xem xét lại thời gian áp dụng các Thông tư này cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động cũng như những khó khăn mà các CTTC có thể gặp phải nhằm tuân thủ các quy định mới này…”, đại diện Home Credit Việt Nam đề nghị.