Vừa qua, các ngân hàng đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu,… Tuy nhiên, các ngân hàng cũng lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Do không được nằm trong danh sách hỗ trợ ưu đãi của các ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản của cả nước phản ứng và cho rằng các ngân hàng có sự "phân biệt, đối xử" đối với ngành nghề bất động sản.
Trao đổi với Báo PLVN, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, trước diễn biến phức tạp do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và các doanh nghiệp. Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trước đó, Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về vấn đề miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Từ những chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng đã có sự điều chỉnh lãi, giảm lãi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Hiện nay, các ngân hàng tiếp tục công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm chỉ áp dụng đối tượng ưu tiên chỉ gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…Có thể hiểu đây là sự ưu tiên cho những ngành hàng thiết yếu, ngành kinh doanh bị tác động nặng nề do dịch bệnh. Có rất nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh hoành hành, không riêng các ngành trên, nhưng việc giảm lãi sâu chỉ có thể áp dụng với các ngành hàng cấp thiết để đảm bảo những ngành đó có thể tiếp tục hoạt động, phục vụ cho công cuộc phòng, chống đại dịch của đất nước.
Việc các ngân hàng không áp dụng giảm lãi suất với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá,…đã vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Có các ý kiến cho rằng có sự "phân biệt, đối xử” giữa các ngân hàng với lĩnh vực bất động sản bởi họ cho rằng lĩnh vực cho vay bất động sản góp phần lớn vào hoạt động ngân hàng và họ cũng gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng lại không được áp dụng chương trình hỗ trợ.
Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, không riêng bất động sản mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác đều gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp cần chi phí để duy trì hoạt động, trả lãi ngân hàng,… Khó khăn về dòng tiền do sụt giảm doanh thu không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào. Hiện nay chi phí để duy trì bộ máy, chi trả lương cho người lao động và các chi phí khác vẫn phát sinh trong khi không có nguồn thu vào, không huy động được vốn đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Việc ngân hàng áp dụng giảm lãi vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh là rất thiết thực. Việc tiếp tục áp dụng thêm gói lãi suất cho vay ưu đãi chỉ tập trung cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là lĩnh vực hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, hay các lĩnh vực quan trọng cấp thiết khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, như dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…là điều dễ hiểu và phù hợp.
Lĩnh vực bất động sản cũng chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng không quá nặng nề như các lĩnh vực khác, ví dụ như du lịch, vận tải, lưu trú - ăn uống... Có thể đây là lý do mà bất động sản chưa có trong danh sách ngành nghề ưu tiên xem xét hỗ trợ giảm lãi suất vay mới. Hơn nữa ngoài các lĩnh vực thiết yếu, bị tác động nặng nề thì ngân hàng cũng không thể ưu tiên giảm lãi vay chỉ cho lĩnh vực Bất động sản trong khi hầu hết các lĩnh vực khác cũng gặp khó khăn vì sẽ mất cân bằng cho nền kinh tế - xã hội.
Cũng theo luật sư Cường, thực tế thì trong thời gian dịch bệnh, một số ngân hàng cũng đã giảm lãi suất vay mua nhà nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do đại dịch, nhóm khách hàng kinh doanh resort, khách sạn cũng được ưu tiên giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu. Bên cạnh đó thì mức lãi suất cho vay bất động sản hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước đây, việc tiếp tục giảm lãi suất sâu hơn có thể gây nguy cơ rủi ro cao cho thị trường bất động sản. Có thể nói hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thiếu sự minh bạch về thông tin, vẫn còn hiện tượng đẩy giá, “bong bóng bất động sản”, sốt đất ảo,…
Việc các giảm lãi vay ưu đãi rộng rãi mà không hướng chính xác đến đối tượng có nhu cầu thực sự thì có thể sẽ khiến các đối tượng đầu cơ lợi dụng. Đó là lý do mà tín dụng bất động sản phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 3029/NHNN-TTGSNH chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản cũng hoàn toàn có căn cứ, bởi khi hết dịch bệnh, thị trường BĐS hoàn toàn có thể sẽ bùng nổ nóng, nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”.
Trong khi đó với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì việc cho vay vào nhu cầu bất động sản tại những địa phương đang giãn cách xã hội cũng không hiệu quả do khó có thể tiến hành giao dịch. Hiện các công trình thi công xây dựng cũng đang tạm dừng. Như vậy nhu cầu cung, cầu về bất động sản hiện tại là không đáng kể.
Thêm một vấn đề nữa về dòng tiền, các doanh nghiệp bất động sản ngoài vốn vay thì cũng còn có thể huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định pháp luật. Thực tế hiện nay thì nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đa dạng hóa nguồn vốn, không chỉ phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Hiện nay với các khó khăn của doanh nghiệp về duy trì hoạt động, đảm bảo quyền lợi người lao động thì Chính phủ đều đã có những chính sách nhất định để hỗ trợ. Cụ thể là: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh theo Công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ công thương; Hỗ trợ về vốn theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ về thuế theo Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 của Tổng cục thuế về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theoCông văn 1511/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn theo Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước; Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đối với khó khăn trong dòng tiền và trong việc chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản, với các lo sợ về đến hạn trả nợ không trả được có thể chuyển thành nợ lãi, nợ xấu thì có thể thỏa thuận với ngân hàng về việc xem xét giãn nợ, hoãn nợ.
“Theo tôi với các đề xuất về giãn nợ, hoãn nợ của doanh nghiệp bất động sản thì các ngân hàng sẽ đồng ý và cũng không “khoanh tay đứng nhìn” trước những khó khăn đó của doanh nghiệp vì mối quan hệ liên kết nhiều năm qua. Còn đối với việc giảm lãi suất vay thì việc các ngân hàng áp dụng đối với các ngành nghề thiết yếu, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khác là phù hợp” – Luật sư Cường cho hay.