Ngân hàng phải đảm bảo các thông tin khách hàng được giữ bí mật
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70, NHNN đề xuất chỉ quy định đối với các thông tin khách hàng không phải thông tin mật thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng mà thông tin đó thuộc danh mục bí mật Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Về đối tượng được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.
Vì thế, NHNN đề xuất, để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Các TCTD và pháp luật có liên quan, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng, tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phải có quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng, đảm bảo các thông tin khách hàng được giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp theo đúng các quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin về mật khẩu truy cập của khách hàng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng.
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân không phải là khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp, không được để bên thứ ba sử dụng thông tin khách hàng mà mình có được vào bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của khách hàng.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng
Điều 5 Dự thảo quy định về mục đích cung cấp thông tin khách hàng, đề xuất, tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước để phục vụ mục đích sau đây: “Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thuế và kiểm tra, điều tra, xác minh hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan; Thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, xác minh; phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định”.
Cơ quan nhà nước, cá nhân có liên quan của cơ quan nhà nước chỉ được sử dụng thông tin khách hàng cho mục đích như trên.
Đây là đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, xác minh, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến pháp nhân và cá nhân, Dự thảo Nghị định không quy định yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh lý do cung cấp thông tin khách hàng (quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; bản án, quyết định thi hành án;…) đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, xác minh, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.
Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và bảo đảm việc cung cấp thông tin khách hàng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, dự thảo Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.