Đại đa số chủ đầu tư đều nắm được những quy định về phòng cháy và chữa cháy và chấp hành nghiêm về Phòng cháy chữa cháy khi đưa chung cư, nhà cao tầng vào sử dụng. Tuy nhiên, có một số ít chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm và hậu quả gánh chịu sẽ rất lớn nếu không may xảy ra cháy, nổ.
Theo một số chủ đầu tư cho biết, căn cứ theo Điều 17, Nghị định 79/2014/NĐ-CP và Điều 8, Thông tư 66/2014/TT-BCA quy định:
Dự án, công trình, có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt.
Căn cứ theo Điều 13, Luật PCCC năm 2001 và Khoản 8, Điều 1, Luật PCCC sửa đổi 2013 có quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng cháy, chữa cháy là:
“Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy”.
Việc để người dân vào sống những khu chung cư, nhà cao tầng khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là vi phạm pháp luật và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Ngoài Luật PCCC năm 2001, Luật PCCC sửa đổi bổ sung năm 2013, còn có nhiều Thông tư, Nghị định hướng dẫn áp dụng chi tiết các luật trên, thì tại các luật chuyên ngành như Luật nhà ở 2014, Luật kinh doanh bất động sản 2014, Luật xây dựng 2014, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đi kèm đều điều chỉnh vấn đề PCCC tại các khu chung cư cao tầng hay những khu đông dân cư một cách chặt chẽ có hệ thống.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập, còn tồn đọng của công tác PCCC ở đây, chính là ý thức áp dụng luật của người dân, của các cơ quan tổ chức có liên quan và việc tuyên truyền pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đủ mạnh, để công tác PCCC được thực thi nghiêm chỉnh, đầy đủ.
“Chế tài xử lý vi phạm như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC chưa đủ tính răn đe phù hợp với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp chưa được xử lý nghiêm khắc vì những lý do chủ quan khác nhau dẫn đến hiện tượng này vẫn tồn tại”, một số chủ đầu tư phân tích.
Nguyên nhân của một số chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu về PCCC chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở, trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy. Việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.
Trước những bất cập, tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy và tại các cao ốc nói riêng, chung cư nói chung. Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất Chính phủ có lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình đưa vào sử dụng khi chưa có thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, xử lý các công trình, khu chung cư cao tầng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đồng thời với việc xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm.