Được biết, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại một số địa điểm như: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.
Việc triển khai đường bay này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia.
Đảo Cô Tô sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; lượng du khách không ngừng tăng qua các năm. Theo quy hoạch, đảo Cô Tô lớn phân thành 6 phân vùng chính: Nam Đồng sẽ phát triển cộng đồng sân golf, bãi biển Vàn Chảy nâng cấp thành thị trấn biển, xã Hải Tiến phát triển sân golf và dịch vụ biển, hồ Ông Tiên định hướng du lịch, khu vực sân bay và hậu cần hỗ trợ cho tổng thể cả đảo.
Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.
Với cảng hàng không Vân Đồn, đây là cảng hàng không quốc tế; cấp sân bay đạt cấp 4E, sân bay quân sự cấp II; diện tích 326,547 ha. Công suất thông qua cảng hàng không đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không này sẽ xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm. Đến 2030, Vân Đồn trở thành sân bay xanh.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, các đường lăn mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách và khu hàng không dân dụng để nâng công suất cảng hàng không lên 12 triệu hành khách/năm.
Theo Quy hoạch, phạm vi xây dựng thêm đường cất hạ cánh khoảng 143,67 ha. Tầm nhìn đến 2050 quỹ đất của cảng hàng không này là khoảng 470,22 ha.