Theo Quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi đến năm 2040 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt điều chỉnh cục bộ, khu vực núi Thiên Bút có tính chất là công viên cây xanh - văn hóa chính của khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thể thao của người dân thành phố và khu vực lân cận. Đồng thời, là địa điểm tham quan du lịch, tìm hiểu và bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh Quảng Ngãi; kết hợp hài hòa với không gian Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh.
Đồ án là nhằm mục tiêu cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi đến năm 2040 và điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Đô thị trung tâm TP Quảng Ngãi; hình thành không gian công viên cây xanh tại đô thị trung tâm phía Nam, góp phần nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc cảnh quan cho thành phố. Đồng thời, tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, tổ chức sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho nhu cầu của người dân, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, đồ án còn làm cơ sở pháp lý cho việc lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư; góp phần hướng đến tiêu chí đô thị loại 1 cho TP Quảng Ngãi.
Đơn vị Tư vấn trình bày ý tưởng quy hoạch Khu vực Công viên Thiên Bút. |
Theo ý tưởng của đơn vị tư vấn, phạm vi quy hoạch gần 42 ha, chia làm 3 phần, gồm phần chân núi, phần thân núi và phần đỉnh núi.
Trong đó, phần chân núi bố trí lối vào chính gắn với nhà đón tiếp, quảng trường chính là nơi tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa lịch sử là nơi gặp gỡ, vui chơi và thư giãn hằng ngày của người dân; bố trí 2 hồ nước lớn, vừa tạo cảnh quan, điều tiết vi khí hậu, vừa là hồ chứa nước, điều tiết nước cho khu vực trong mùa mưa, lũ…
Phối cảnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Công viên Thiên Bút. |
Phần thân núi thì sẽ giữ nguyên cao độ thân núi, không san lấp làm thay đổi địa hình khu vực; giữ lại các cây xanh hiện trạng lớn, có giá trị về cảnh quan tại khu vực, các loại cây do doanh nghiệp đã trồng trước đây và chọn thêm loại cây ra hoa trồng xen kẽ.
Phần đỉnh núi, đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1: phục chế nguyên trạng tháp Chăm trên bình đồ móng tháp hiện hữu và bảo tồn tại chỗ; giữ nguyên cao độ đỉnh núi, không san lấp làm thay đổi địa hình khu vực.
Đồng thời, tổ chức không gian cảnh quan xung quanh, giữ lại các cây bóng mát có giá trị về cảnh quan, trồng thêm cây xanh tạo bóng mát, cảnh quan, tạo các không gian vọng cảnh, để người dân và du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Đại biểu dự họp cho ý kiến, thảo luận về ý tưởng quy hoạch. |
Theo phương án 2, sẽ xây dựng công trình mới để bảo vệ, che chắn bình đồ móng tháp, là nơi trưng bày các cổ vật khai quật có giá trị, là nơi nghỉ chân cho du khách trên đỉnh núi.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, quy hoạch Công viên Thiên Bút là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Việc lập quy hoạch 1/500 dự án công viên Thiên Bút cũng là cơ sở để lập dự án đầu tư Công viên Thiên Bút gắn trong tổng thể của Thiên Mã, Thiên Bút và Thiên Ấn.
Theo ông Minh, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên Thiên Bút hiện tại còn có điểm chưa phù hợp, chưa gắn với tổng thể các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn, cũng như các dự án chuẩn bị triển khai trên địa bàn TP Quảng Ngãi.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu kết luận cuộc họp. |
Do đó, yêu cầu UBND TP Quảng Ngãi thực hiện khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trạng sử dụng đất, cũng như các cơ sở đang tồn tại trên diện tích lập quy hoạch công viên Thiên Bút, đơn vị tư vấn cần hoàn thiện lại đồ án.
Đích đến của quy hoạch phải xác định rõ, mặt chính của Công viên Thiên Bút là phía Bắc, giáp với trục đường Phạm Văn Đồng, duy trì nguyên trạng núi Thiên Bút không được cải tạo lớn, tính toán kỹ các tuyến giao thông trong khu vực, dùng các phương thức đi bộ, đi xe đạp, tính toán các tuyến giao thông kết nối với các tuyến giao thông trong khu vực, tránh xung đột.
Đồng thời, tính toán lại các hạng mục đã phân bổ cho phù hợp với điều kiện mặt bằng của dự án; tính toán việc chỉnh trang trồng cây cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm lịch sử của núi Thiên Bút, hạn chế phá bỏ các loại cây hiện có.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND TP Quảng Ngãi chỉ đạo đơn vị tư vấn tính toán lại và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà khảo cổ học để quyết định phương án xử lý, phục dựng tháp Chăm tại khu vực đỉnh núi Thiên Bút.