Chợ dưới lòng đất
Sense Market có thể được xem là chợ dưới lòng đất đầu tiên ở trung tâm TP.HCM. Trước đây, khu vực này là hầm giữ xe cũ của sân khấu Sen Hồng nằm ở khu B công viên 23/9 nhưng đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm, nước đọng lênh láng mỗi khi mưa xuống.
Sau khi cải tạo lại, nơi đây lột xác thành chợ dưới lòng đất khang trang, có kiến trúc độc đáo và hiện đại phục vụ ẩm thực, mua sắm cho người dân và du khách. Tại đây, có gần 100 cửa hàng, bán các món ăn của Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
Khu mua sắm Taka Plaza với hơn 400 gian hàng lớn nhỏ, cung cấp các mặt hàng như: Quần áo, đồ lưu niệm, giày dép, túi xách...
Thời điểm trước dịch bùng phát, khu chợ dưới lòng đất này luôn sáng đèn suốt ngày đêm, thu hút nhiều người tới tham quan, ăn uống, thư giãn, mua sắm.
Chị Nguyễn Thị Bích (TP Thủ Đức) cho biết, dịp cuối tuần thường hay cùng bạn bè vào trung tâm đi chơi, mua sắm.
“Những ngày trời nóng, đi mua sắm ở các cửa hàng trong chợ dưới lòng đất rất mát mẻ, không phải chạy từ chỗ shop này sang shop khác như trên đường. Mệt thì có chỗ nghỉ, ăn uống, giải khát rất tiện”, chị Bích chia sẻ.
Ở khu vực trung tâm thành phố hiện nay còn có các tòa nhà như: Saigon Center (Lê Lợi), Vincom Center (Đồng Khởi), Union Square (Nguyễn Huệ) đều có từ 3 - 5 tầng hầm kinh doanh các dịch vụ ăn uống, mua sắm rất nhộn nhịp.
Phác họa như vậy để thấy những không gian ngầm ở trung tâm thành phố có sức hút như thế nào đối với người dân cũng như hoạt động kinh doanh, thương mại.
Ga ngầm Bến Thành
Theo các chuyên gia, không gian ngầm công cộng trước mắt có thể triển khai dọc tuyến metro số 1. Tuyến này dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2024.
Dự án này có một đoạn với chiều dài gần 1km dọc đường Lê Lợi từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố. Dọc tuyến còn kết nối với hệ thống ngầm của các tòa nhà cao tầng hiện đang khai thác dịch vụ rất tốt.
Ngoài ra, còn có hệ thống tầng ngầm của các ga lớn như: Bến Thành, Nhà hát Thành Phố, Ba Son.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, để chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác tuyến metro số 1 và các tuyến metro tiếp theo, ngay từ bây giờ cần đặt vấn đề khai thác không gian ngầm của các truyến metro này một cách hiệu quả.
Ngoài việc kết nối không gian ngầm của các tòa nhà cao tầng hiện hữu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất thêm một số vị trí, trong đó có các điểm như công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng là nhưng nơi sẽ tiến hành chỉnh trang, cải tạo trên mặt đất và làm thêm không gian ngầm để kết nối với metro.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, có thể tận dụng lợi thế hệ thống ngầm của tuyến metro số 1 để phát triển không gian đô thị ngầm ở trung tâm theo hướng lan tỏa.
Khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, chắc chắn hệ thống giao thông ngầm, dịch vụ thương mại sẽ phát triển ở các không gian ngầm tại các nhà ga lớn.
Cùng đó kết nối với các tầng hầm của những tòa nhà cao ốc gần đó đã có sẵn, tạo thành một không gian đô thị khá lớn, thân thiện cho người đi bộ ở dưới lòng đất, sử dụng metro khi đi vào trung tâm thành phố.
“Đó cũng là cách hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm theo định hướng của thành phố”, ông Sơn nói.
Nhưng đến khi nào TP.HCM mới có một hệ thống không gian đô thị ngầm ở khu vực trung tâm? Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác.
Thực ra, việc đầu tư các không gian ngầm để phục vụ giao thông tĩnh kết hợp thương mại dịch vụ đã được TP.HCM quan tâm trong khoảng 10 năm trước.
Cụ thể là đầu tư các bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, nhà hát Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư kết hợp với các trung tâm thương mại ngầm theo phương thức đối tác công tư… nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.
Do vậy, trong thời gian ngắn hạn 5 năm tới, việc phát triển không gian đô thị ngầm chỉ xoay quanh khu vực tuyến metro số 1; các khu vực khác được đề cập như ở công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… chưa thể triển khai sớm bởi phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư.
Với tình hình ngân sách như hiện nay, thành phố khó có thể dành hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các hệ thống ngầm này.
Trong khi đó, cơ chế để thu hút nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư vẫn đang loay hoay chưa có lời kết. Thành phố vẫn chưa có một bản quy hoạch riêng phát triển và khai thác không gian ngầm một cách bài bản.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, muốn xây dựng không gian đô thị ngầm, trước hết phải có quy hoạch bài bản, sau đó là xây dựng giải pháp, chính sách để thu hút đầu tư. Khi chính sách đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ tham gia.
“Không thể đầu tư những không gian ngầm một cách đơn lẻ, riêng biệt mà cần có sự kết nối với nhau. Khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên một không gian đô thị kết nối, không khác gì trên mặt đất. Hệ thống metro sẽ thu hút lượng khách đi bộ nhiều hơn, cơ hội phát triển các dịch vụ thương mại ở các không gian ngầm cũng tăng lên. Khi đó, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, họ mới tham gia đầu tư”, ông Sơn chia sẻ.
Không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ
Dự thảo quy hoạch các khu chức năng của Trung tâm thành phố đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM lấy ý kiến các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng và khai thác không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân như: Công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… ở quận 1.
Tại khu trung tâm 930ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng.
Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như: Nhà hát Thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn.
Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm.
Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe.
Khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ...
Vườn trũng kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng sức chứa hơn 300 ô tô ở hai tầng hầm. Đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm tòa nhà xung quanh trong tương lai. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt kết nối người đi bộ giữa các trạm với vườn trũng.