Lật lại vụ việc này sau 15 năm, ông Lê Ân (đại diện Hội đồng thanh lý và giải thể VCSB) đã có đơn tố cáo về sai phạm trong việc bán trụ sở trên.
Vội vàng bán trụ sở nhưng cho “trả chậm”
VCSB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động trong thời hạn 99 năm và đặt trụ sở tại 59 Trần Hưng Đạo, phường 1, TPVũng Tàu. Tuy nhiên, khi mới chỉ hoạt động được 8 năm, đến tháng 8/1999 thì Thống đốc NHNN đã có quyết định “đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do cho rằng ngân hàng này “vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Các tổ chức tín dụng”.
Ngoài việc yêu cầu tạm dừng huy động vốn cho vay, tập trung thu hồi nợ, xử lý tài sản cố định, phát mãi tài sản xiết nợ để trả tiền gửi của dân…, quyết định trên còn nêu rõ, VCSB phải củng cố lại bộ máy Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành…; lựa chọn nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu lại tại đại hội cổ đông…”.
Đến đầu năm 2000, trong khi đang phối hợp cùng Ban kiểm soát đặt biệt để thu hồi nợ, bán tài sản thế chấp… nhằm trả tiền cho khách hàng thì ông Lê Ân (Chủ tịch HĐQT VCSB) đã bị CQĐT bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (sau này, ông Lê Ân được đình chỉ điều tra về tội này nhưng bị xử tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”).
Trước đó, trong khi chưa thu hồi được nợ và chưa xử lý được tài sản thế chấp, VCSB đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank- VCB) cho vay đặc biệt 94,5 tỷ đồng để chi trả tiền gửi hợp pháp của dân.
Sau khi ông Lê Ân bị bắt giam, VCSB đã bàn giao 14 tài sản đang quản lý cho VCB làm tài sản thế chấp cho khoản vay đặc biệt nói trên. Các tài sản khác của VCSB (trong đó có trụ sở chính tại 43 Trần Hưng Đạo) cũng thuộc diện kiểm soát của VCB.
Đến tháng 7/2003, thông qua Trung tâm bán đấu giá (TTBĐG), Vietcombank Vũng Tàu (VCB Vũng Tàu) đã bán trụ sở của VCSB tại số 43 (số cũ 59) Trần Hưng Đạo cho ông Nguyễn Minh Hưng (TP HCM) với giá 13.035.000.000 đồng.
Tuy nhiên, việc bán này hiện đang bị ông Ân được cho là bất thường bởi trong cuộc bán đấu giá trụ sở trên, một trong hai khách hàng tham gia đấu giá đã dễ dàng mua được tài sản với giá cao hơn giá khởi điểm chưa đến 10 triệu đồng. Hơn nữa, khách hàng còn được “ưu ái” trả dần tiền mua nhà trong hơn 1 năm.
Đẩy ngân hàng đến chỗ “giải tán”?
Việc bán trụ sở VCSB trên hiện đang bị ông Lê Ân tố cáo là vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi vào thời điểm tháng 7/2003 thì VCSB vẫn đang là một pháp nhân tồn tại hợp pháp. Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 8/2002 vẫn xác định VCSB có trụ sở tại 59 Trần Hưng Đạo…Nhưng không hiểu tại sao VCB Vũng Tàu vẫn tiến hành bán trụ sở của VCSB khi giấy phép hoạt động vẫn đang có hiệu lực và VCSB đang tiến hành củng cố lại bộ máy theo yêu cầu của Thống đốc NHNN?
Quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cũng nêu rõ về một trong các điều kiện để ngân hàng hoạt động là phải có trụ sở phù hợp. Hơn nữa, tại thời điểm đó thì VCSB vẫn phải có trách nhiệm thực hiện trả các khoản tiền hợp pháp cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng và Thống đốc NHNN. Việc bị mất trụ sở rõ ràng đã cản trở, gây khó khăn cho VCSB trong việc thực hiện nhiệm vụ trên.
Khi đánh giá về việc này, ông Lê Ân khẳng định, trụ sở của ngân hàng chỉ được bán sau cùng, khi mà tất cả các tài sản khác của VCSB đã được bán mà không trả được hết nợ nần. Trong khi VCSB vẫn còn rất nhiều tài sản khác chưa được bán thì việc VCB Vũng Tàu bán trụ sở của VCSB như trên đã góp phần đẩy VCSB đến chỗ phải chính thức dừng hoạt động vào năm 2006. Hơn nữa, sau khi trụ sở bị bán thì rất nhiều tài sản phục vụ cho hoạt động của VCSB tại đây (như hầm bạc, quầy giao dịch, các kho tài liệu, các máy móc dùng cho việc kinh doanh của ngân hàng) cũng không được VCB Vũng Tàu bàn giao lại cho VCSB.
Thực hiện trái chỉ đạo?
Đối chiếu với các văn bản chỉ đạo liên quan quan đến xử lý VCSB thời điểm đó, ông Lê Ân còn cho rằng, việc VCB Vũng Tàu tự ý bán trụ sở của VCSB năm 2003 là vượt quyền, có dấu hiệu có ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng cho VCSB.
Cụ thể, Quyết định 297/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/4/2000 (về việc chuyển giao dư nợ cho vay và tài sản thế chấp, cầm cố của VCSB cho VCB) nêu rõ “VCB cho VCSB vay đặc biệt để chi trả tiền gửi hợp pháp của nhân dân và được quyền trong việc giải quyết tiền gửi của nhân dân, thu nợ, xử lý tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo đảm nợ vay khác của các đối tượng vay vốn VCSB...”.
Sau đó, Thống đốc NHNN có Quyết định số 04/2000/QĐ-NHNN5 (giao VCB tham gia kiểm soát và xử lý VCSB) yêu cầu: “VCB cùng VCSB nhanh chóng thu hồi và phát mãi các tài sản thế chấp thu được; Chỉ đạo, giám sát VCSB sử dụng mọi tài sản của VCSB để có nguồn tiền chi trả tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền và hoàn trả nợ vay cho VCB”.
Nội dung các văn bản trên không có điểm nào cho phép VCB được phát mãi tài sản cố định (gồm trụ sở) của VCSB mà chỉ có quyền “chỉ đạo, giám sát” VCSB sử dụng mọi tài sản để có nguồn tiền chi trả. Hơn nữa, quyền này của VCB cũng chỉ trong giới hạn ở những “tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo đảm nợ của khách hàng vay vốn tại VCSB”. Tức là dù có việc xử lý tài sản của VCSB để lấy tiền trả cho dân và trả khoản vay đặc biệt thì việc này vẫn phải do VCSB thực hiện, dưới sự “chỉ đạo, giám sát” của VCB.
Thế nhưng, theo ông Lê Ân thì thời điểm đó, VCSB đã đề nghị được tự bán 14 tài sản của mình (vốn là những tài sản có được sau quá trình xử lý nợ đối với khách hàng) dưới sự giám sát của Ban chỉ đạo xử lý VCSB nhưng đều không được chấp nhận.
Vào tháng 9/2002, Ban chỉ đạo xử lý VCSB có thông báo nêu rõ, “VCB cần phối hợp chặt chẽ với TTBĐG để việc bán đấu giá tài sản được nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật; Thành lập Hội đồng định giá phục vụ cho việc bán đấu giá tài sản. Giao VCB phối hợp với Sở Tư pháp đề xuất thành lập Hội đồng định giá để UBND tỉnh ra quyết định vận hành của Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tất cả các văn bản trên không có nội dung nào cho phép VCB Vũng Tàu (một đơn vị cấp dưới của VCB) tham gia vào việc xử lý các khoản nợ hoặc bán tài sản của VCSB. Thế nhưng, tháng 6/2003, VCB Vũng Tàu vẫn ký hợp đồng để TTBĐG bán trụ sở của VCSB tại số 43 (số cũ 59) Trần Hưng Đạo (đại diện VCB Vũng Tàu tham dự cuộc đấu giá ngày 30/7/2003 là ông Lý Thành Tiến - Trưởng phòng Quản lý và khai thác tài sản VCB Vũng Tàu). Đã vậy, việc thu tiền từ người trúng đấu giá diễn ra khá chậm trễ (kéo dài tới hơn 1 năm) cũng là trái với yêu cầu của Ban chỉ đạo xử lý VCSB.
Đáng nói, thời điểm tháng 7/2003 thì VCSB vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hơn 1.000m2) tại 43 Trần Hưng Đạo. Còn công trình trên đất (3 tầng lầu, diện tích sàn trên 2.500 m2) của VCSB vẫn chưa làm thủ tục hoàn công. Tức là cả nhà và đất tại số 43 Trần Hưng Đạo được đem ra bán đấu giá khi chưa đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định. Đại diện của VCSB thời điểm đó cũng không được tham gia vào quá trình bán đấu giá trên.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo xử lý VCSB từng có yêu cầu rõ: “Tài sản nào đủ điều kiện thì bán đấu giá ngay. Tài sản nào còn thiếu các thủ tục có tính chất về kỹ thuật thì khẩn trương bổ sung cho đủ…”.
Với chỉ đạo trên, không hiểu sao hàng loạt tài sản mà VCSB đã nhận thế chấp và chuyển giao cho VCB đã không được đưa ra bán đấu giá ngay mà VCB Vũng Tàu lại sốt sắng bán trụ sở của VCSB trước tiên, trong khi tài sản này chưa đủ giấy tờ hợp pháp (tức là giao dịch này là vô hiệu theo quy định của BLDS)?
Cho rằng việc làm trên là trái quy định, làm thiệt hại nghiêm trọng cho VCSB cũng như các thành viên của VCSB, tháng 2/2018, ông Lê Ân đã có đơn tố cáo ông Lý Thành Tiến về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mới đây, ngày 29/08/2018, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thông báo cho rằng “việc bán trụ sở VCSB số 59 Trần Hưng Đạo được thực hiện đúng trình tự theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Tại thời điểm xử lý tài sản của VCSB thì ông Lý Thành Tiến giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý khai thác tài sản Vietcombank-Vũng Tàu tham gia xử lý tài sản VCSB dựa trên cơ sở chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành liên quan, do đó hành vi của ông Lý Thành Tiến không có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành công vụ”.
Không đồng ý với trả lời nêu trên, ông Lê Ân đã có đơn khiếu nại, đề nghị được Thủ trưởng CQĐT trả lời rõ nội dung văn bản cụ thể nào cho phép VCB Vũng Tàu và ông Tiến được bán trụ sở làm việc của VCSB theo hình thức “trả chậm” như trên?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Như PLVN đã từng thông tin, năm 2003, ông Lê Ân bị Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM kết án 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của VCSB và đã đẩy VCSB vào tình trạng “mất khả năng thanh toán tín dụng”, bị Thống đốc NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặt biệt và buộc Nhà nước phải bỏ ra 94,5 tỷ để cho vay nhằm ổn định tình hình…
Tuy nhiên, suốt từ khi bị khởi tố đến nay, ông Lê Ân liên tục khẳng định việc xác định hậu quả như trên là không đúng bởi đối chiếu với quy định thì VCSB không thể bị coi là “mất khả năng thanh toán tín dụng”. Hơn nữa, sau khi bị kiểm soát đặc biệt mà VCSB được phép bán những tài sản có được do xử lý tài sản thế chấp của khách hàng thì sẽ “dư tiền” để trả cho tất cả khách hàng.
Theo ông Lê Ân thì hiện nay, Hội đồng thanh lý VCSB đã được nhận lại 8 khối tài sản là nhà đất đã từng thế chấp, bàn giao cho VCB để vay 94,5 tỷ năm 2000. Đây đều là tài sản còn thừa sau khi VCB đã xử lý bán tài sản để thu hồi đầy đủ lãi và nợ gốc 94,5 tỷ cho VCSB vay năm 2000. Theo ước tính thì giá trị số tài sản “còn dư” hiện có giá trị trên 500 tỷ đồng, hiện đang được Hội đồng thanh lý VCSB xúc tiến giải quyết, thu hồi. Như vậy, có thể khẳng định vụ án năm 2000 không hề có thiệt hại. Thời điểm đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không xác định đúng giá trị các tài sản của VCSB đã nhận thế chấp của khách hàng.