“Giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng cũng rất nhiều”. Nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thảo luận tại Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 chắc chắn khiến nhiều người giật mình.
Theo con số thống kê chính thức, bình quân diện tích đất đai trên đầu người ở Việt Nam xếp hạng vào loại thấp, chính vì thế Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, để dành đất cho thế hệ sau. “Đất không sinh ra, chúng ta phải quản lý có hiệu quả, đây là yêu cầu rất lớn, lâu dài”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Vừa qua giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”.
Trước đó, thẩm tra tờ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, yếu kém, bức xúc trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ 2011 - 2020 chưa được báo cáo đề cập. “Vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)”, ông Thanh dẫn chứng và đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Thực trạng và hậu quả của các vi phạm về quản lý sử dụng đất như vậy đã được chỉ ra rõ nét. Thế nhưng, tại sao suốt nhiều năm qua, các vụ án liên quan về đất vẫn không có dấu hiệu giảm, dù nhiều cán bộ, nhiều “đại gia” đã bị lôi ra trước tòa vì câu kết trục lợi trên đất, vì vi phạm quy định quản lý đất đai?
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất quan trọng; có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; song việc làm này còn hình thức, kém hiệu quả, chủ yếu chỉ đăng tải trên cổng thông tin, khó theo dõi và đóng góp ý kiến.
Còn có lý do quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn nhiều bất cập, không chỉ chậm mà chất lượng quy hoạch cũng không cao, lại điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt tình trạng “quy hoạch treo” gây lãng phí rất nghiêm trọng. Vì vậy cần đánh giá, tìm ra giải pháp, làm sao để việc lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.
Một nguyên nhân khác mà nhân dân bức xúc bấy lâu nay là một số quy định pháp luật về quản lý sử dụng, quy hoạch, chuyển mục đích… đất đai còn khá rắc rối, “lằng nhằng”. Nếu không phải là chuyên gia pháp lý, nếu không phải là người làm trong lĩnh vực, có mấy ai hiểu được mình phải làm những thủ tục gì cho đầy đủ, mấy ai hiểu được những thuật ngữ kỹ thuật trong ngành tài nguyên – môi trường?
Nhiều vụ việc xảy ra đã cho thấy, ngay cả những cán bộ làm trong lĩnh vực cũng hiểu sai, hiểu “nhầm” về một số quy định đất đai. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là văn bản về đất đai cần được soạn thảo chặt chẽ nhưng phải dễ hiểu, đơn giản hơn nữa. Như vậy, người dân mới có thể hiểu, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan lĩnh vực đất đai và thực hiện quyền giám sát được hiệu quả, góp phần dẹp tình trạng “giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều”.