Được biết, năm 2009, Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến được phê duyệt, quy mô sử dụng đất khoảng 1.000 héc-ta, gồm đất xây dựng các cơ sở đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ khoảng 700 héc-ta, đất xây dựng đô thị khoảng 300 héc-ta tại thành phố Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500-1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu.
Dự tính nguồn vốn đầu tư, khu đô thị đại học Phố Hiến theo phê duyệt ban đầu có chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khoảng 5.530 tỉ đồng, trong đó tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng 300 héc-ta đất đô thị trong khu đô thị đại học khoảng 4.800 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác 730 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện đề án từ 2009-2020, nhưng đến nay khu đô thị đại học này chỉ hoàn thành được một số tuyến đường trục chính theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, dự kiến hơn 10 trường chuyển về xây dựng cơ sở đào tạo tại khu đại học như, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1, trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương… đều chưa thực hiện.
Hiện chỉ có cơ sở đào tạo trường Đại học Chu Văn An và trường Đại học Thủy lợi đã triển khai. Bên cạnh đó, có 4 khu dân cư được xây dựng trong khu đại học Phố Hiến.
Từ thực tế triển khai xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến quá chậm, không phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên vừa gửi kiến nghị Thủ tướng cho dừng thực hiện Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến. Tỉnh cam kết giữ lại 200 héc-ta đất trong khu đại học để tiếp tục nhận các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp có nhu cầu xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại khu đại học Phố Hiến.