Đó đều là những dự án nổi tiếng như dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) hơn 1.300 ha; dự án lấn biển Rạch Giá (Kiên Giang) hơn 500 ha; hàng loạt khu đô thị du lịch tại Quảng Ninh… Cũng có những dự án tai tiếng như Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210 ha, từng do Cty của Vũ “Nhôm” làm chủ đầu tư.
Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương phục vụ phát triển bền vững. Bên cạnh các lợi ích thu được, hoạt động lấn biển cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, chỗ ở, sinh kế của người dân ven biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông… ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài.
Thế nên dư luận rất bất ngờ khi Bộ TN&MT cho biết, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển… Mới đây cơ quan này mới soạn thảo Nghị định quy định lấn biển; sau khi Quốc hội có Nghị quyết 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, trong đó Khoản 8 Điều 2 Nghị quyết này yêu cầu cơ quan chức năng: “Năm 2021, ban hành quy định về hoạt động lấn biển”.
Trước đó, tại một số địa phương, đã nhận ra vấn đề này, nên Giám đốc Sở Xây dựng một tỉnh miền Tây cho biết, từ giữa 2017 tỉnh đã tạm dừng triển khai cấp phép đầu tư khu vực bờ biển “bởi phát triển bờ biển không thể theo cảm tính và cơi nới tuỳ tiện. Không khéo sẽ phá vỡ không gian, cảnh quan kiến trúc hiện hữu và gây lãng phí xã hội rất lớn mà không thể khắc phục được”.
Ý kiến của cử tri, doanh nghiệp gửi đến Quốc hội cũng đã phản ánh thực trạng lúng túng khi thực hiện dự án lấn biển vì chưa đủ cơ sở pháp lý. Một dự án lấn biển độc lập để xây dựng khu đô thị, du lịch - thương mại… đã gặp khó khăn trong việc xác định giá giao mặt nước biển cho nhà đầu tư, vì theo quy định pháp luật hiện nay, chỉ có giá cho thuê mặt nước, chứ không có giá giao mặt nước. Biết xử lý ra sao? Thực tế này không chỉ dẫn đến chậm trễ thực hiện các dự án đầu tư, mà còn nguy cơ gây ra những sự tùy tiện.
Pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể với hoạt động này. Trong khi pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định thẩm quyền với một số dự án lấn biển quy mô lớn. Luật Tài nguyên, môi trường biển & Hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng; tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm. Việc thiếu các quy định cụ thể điều chỉnh với hoạt động lấn biển thậm chí nguy cơ mang lại rắc rối cho chính các địa phương và các nhà đầu tư.
Nghị định quy định lấn biển như vậy là rất cần kíp. Và dư luận cũng rất mong cơ quan chức năng phải sâu sát hơn nữa, có tầm nhìn hơn nữa để không có những khoảng trống chơi vơi như vậy nữa.