Trong khi đó, chính sách về vay vốn mua nhà ở xã hội đã có nhưng chưa thực sự đi vào thực tiễn. Vậy, lúc này, người thu nhập thấp có chút hy vọng nào về việc vay tiền mua nhà hay không?
Tìm chủ đầu tư biết chia sẻ
Trước tiên, khách hàng của phân khúc bất động sản thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội phải xác định rõ một điều, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 30.000 tỷ đồng, vẫn được gọi nôm na là gói vay 30.000 tỷ, đã chính thức dừng giải ngân.
Vì thế, người dân cần phải đối mặt, nắm thông tin một cách rõ ràng để tránh việc bị cung cấp những thông tin không chính xác dẫn đến chuyện nuôi những hy vọng không có thật, khiến những chủ đầu tư và cả ngân hàng không trung thực, thiếu minh bạch nhưng đầy vụ lợi dẫn dắt vào “vòng xoáy” không mong muốn, có thể gây nên những hệ lụy khó gỡ về sau.
Lúc này, khi gói 30.000 tỷ đồng đã chấm dứt, những dự án nhà ở xã hội còn chờ trông vào ưu đãi từ vay vốn chính sách thì vì nhiều lý do mà chưa có khách hàng nào được vay, thì nhu cầu về chỗ ở, về sự “an cư lạc nghiệp” vẫn là nhu cầu chính đáng của mỗi người không thể dừng lại được.
Theo các chuyên gia bất động sản, đây chính là thời điểm người kinh doanh thông minh và người tiêu dùng thông thái có thể tìm đến nhau, hỗ trợ cho nhau. “Bây giờ, điều chủ đầu tư thông minh sẽ phải là sự chia sẻ khó khăn với những khách hàng thuộc phân khúc này, chủ đầu tư nào có động thái kịp thời tại chính thời gian này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ phần đông khách hàng."
Ví dụ, có dự án đã có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng trong giai đoạn này. Thay vì mức giá đã công bố, chủ đầu tư chấp nhận bàn giao nhà xây thô cho khách hàng với mức giá giảm hơn mức giá cũ tới vài triệu đồng/m2, để khách hàng tự hoàn chỉnh theo nhu cầu nhằm giảm chi phí.
Đưa ra nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội
Cách đây ít ngày, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đưa ra những kiến nghị về một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Theo HoREA, việc triển khai thực hiện chính sách NƠXH đang bị ách tắc do đang có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành liên quan đến vấn đề tài chính cho kế hoạch phát triển NƠXH. Từ đó cơ quan này đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách NƠXH 05 năm (2016-2020) phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Năm 2016 có thể coi là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về NƠXH theo Luật Nhà ở 2014, do vậy, HoREA thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách NƠXH.
Về chính sách tạo nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia NƠXH, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách NƠXH trên thực tế. Có thể áp dụng tương tự chính sách tạo nguồn vốn tín dụng và cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây.
HoREA cũng đề xuất cách thức tổ chức thực hiện điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua NƠXH, với ba nội dung: Thứ nhất, người có nhu cầu mua, thuê mua NƠXH có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua NƠXH.
Thứ hai, thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua NƠXH. Thứ ba, người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng NƠXH tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách NƠXH.
HoREA cũng cho rằng cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm NƠXH hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng NƠXH đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng/tháng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua NƠXH.
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH là 4,8%/năm (0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay, áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 đối với các tổ chức tín dụng khác đã tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, để cá nhân, hộ gia đình đã mua NƠXH thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cũng được hưởng lãi suất 4,8%/năm trong năm 2016, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NƠXH từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Hiện, Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan hữu trách như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội... nghiên cứu trả lời những đề xuất nói trên của HoREA.