Hiến kế cho quy hoạch Mê Linh

(PLVN) - Mới được sáp nhập vào thành phố Hà Nội từ tháng 8/2008, nhưng Mê Linh đang mang trọng trách của một thành phố trong thành phố - cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Nhưng Quy hoạch Mê Linh như thế nào, đang là câu chuyện không dễ dàng.
Hiến kế cho quy hoạch Mê Linh

Mảnh đất của truyền thống văn hóa

Mê Linh là huyện ngoại thành Hà Nội, cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô. Mảnh đất ghi dấu ấn lịch sử khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán xâm lược và xưng vương (năm 40 - 43 sau Công nguyên). Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Những dấu tích lịch sử - văn hóa của Mê Linh vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn và phát huy trong đời sống hôm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Không chỉ gắn với những câu chuyện lịch sử về Hai Bà Trưng, lịch sử hình thành và phát triển huyện Mê Linh còn gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu.

Mê Linh là nơi giao thoa văn hóa giữa các tỉnh lân cận với kinh đô Thăng Long xưa. Vì thế, nơi đây hội tụ nền văn hóa phong phú, đa dạng, góp phần vào sự hình thành, phát triển của nền văn minh sông Hồng.

Cùng với những câu chuyện chất chứa niềm tự hào lịch sử, huyện Mê Linh còn là “vựa hoa” nổi tiếng của Thủ đô. Các làng nghề trồng hoa ở xã Mê Linh, Đại Thịnh ngày càng khẳng định uy tín, mang thương hiệu không kém các vùng trồng hoa nổi tiếng khác trong nước.

Các làng nghề trồng rau an toàn, làm bánh đa nem hay đan lát cũng đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và ngành Du lịch của huyện nói riêng.

Mê Linh hiện đã duyệt các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch chung thị trấn Kim Hoa huyện Mê Linh tỷ lệ 1/5.000. Tiếp đó quy hoạch chung xây dựng các xã đã được phê duyệt, cùng với việc triển khai hạ tầng cấp Thành phố và cấp huyện, xây dựng nông thôn mới đã phần nào góp phần tích cực vào việc thay đổi nền kinh tế xã hội của huyện theo hướng tích cực.

Tuy nhiên xét về sự tăng trưởng kinh tế trong 8 năm thực hiện triển khai quy hoạch chung xây dựng huyện đã qua cho thấy có nhiều bất cập cần phải giải quyết và cần có thêm các động lực mới mang tính đột phá trong giai đoạn tới nhằm tạo cho huyện Mê Linh có sự chuyển mình lớn phù hợp với chủ trương lên Quận sau năm 2025.

Mê Linh là một phần của Thành phố mới tương lai

Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, trong bối cảnh hiện nay, việc lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết và cấp bách. Một số yêu cầu thực tiễn cần được nghiên cứu cập nhật, bổ sung điều chỉnh. Cần đưa các định hướng phát triển trong tình hình mới như: Đô thị thông minh; Cách mạng khoa học công nghệ 4.0; Kinh tế đô thị; Tăng trưởng trưởng xanh; Ứng phó với biến đổi khí hậu...v.v. và được nghiên cứu, đề xuất phù hợp với các quy định hiện hành và xu thế phát triển trong giai đoạn trước mắt cũng như phù hợp với định hướng trong tương lai.

Theo chủ trương của Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh phải định hướng gắn với sự phát triển của Thủ đô: Một là huyện Mê Linh là một phần của Thành phố mới tương lai (Thành phố trong thành phố); Hai là quy hoạch huyện Mê Linh theo hướng lên thành Quận sau năm 2025, theo kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt tại kế hoạch 130/KH-UBND ngày 22/6/2020; Nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường Vành đai IV đi qua huyện 16 km, làm động lực phát triển chính; Nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh phát triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.

Trong nhiệm vụ của quy hoạch, phải bảo tồn, khớp nối quy hoạch các khu vực nông thôn, gắn với phát triển đô thị; bảo vệ giá trị cảnh quan (bao gồm cả cảnh quan mặt nước sông Hồng), môi trường sinh thái bổ trợ cho khu vực đô thị trung tâm sôi động bên trong đường Vành đai IV; Quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái; Quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch; đồng thời nghiên cứu khả năng tổ chức các khu chức năng có giá trị tạo động lực phát triển kinh tế mới cho địa phương trong mối quan hệ liên hệ vùng giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội và quan hệ về không gian kinh tế và văn hóa, xã hội của huyện Mê Linh với huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng và quận Bắc từ Liêm.

Mục tiêu trong tương lai Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của Thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái. Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, chung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô; hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp…

Mục tiêu quy hoạch của Mê Linh sẽ có các vùng: Vùng không gian chính trong đó xác định các vùng theo động lực phát triển kinh tế của huyện, vùng phát triển đô thị, vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng trung tâm dịch vụ, du lịch như kết hợp việc khách đến viếng Nghĩa trang Thanh Tước với thăm quan các di tích văn hóa trên địa bàn, hay hình thành các tour du lịch sinh thái gắn với vùng trồng hoa tại xã Mê Linh.

“Chuyên gia” hiến kế quy hoạch Mê Linh

Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đã chia sẻ những ý đóng góp với kỳ vọng Mê Linh sẽ có một bản quy hoạch xứng với vị trí đặc biệt quan trọng của mình đối với thủ đô Hà Nội.

Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kỳ vọng Mê Linh sẽ trở thành thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng của thủ đô Hà Nội, kỳ vọng đóng góp cho sự phát triển của đô thị. "Tôi đồng tình quan điểm Mê Linh phải trở thành quận. Trở thành quận để phù hợp với quản lý theo cấp đô thị. Xa hơn nữa là phải trở thành một thành phố trong thành phố. Lâu nay Mê Linh đã được xác định mục tiêu là một thành phố đối trọng của thủ đô, với tính độc lập tương đối. Tính độc lập của Mê Linh rất cao, vị trí của Mê Linh rất thuận lợi, với vị trí sát sông Hồng, trục hành lang Đông Tây... Mê Linh phải đảm nhận chức năng đô thị vệ tinh của Hà Nội để gánh vác thêm trách nhiệm của Hà Nội." - ông phát biểu.

Chung quan điểm này, Đại diện của tập đoàn Noble Hàn Quốc kỳ vọng sẽ được góp sức để xây dựng Mê Linh không chỉ là một thành phố Mê Linh, mà là một “Hà Nội khác”. Cận kề với Trung tâm. Ông lấy ví dụ nhiều thành phố lớn của thế giới đều có hai thành phố trung tâm, để thấy đây là một tương lai hoàn toàn có thể xảy ra với Hà Nội, với Mê Linh. Đại diện của tập đoàn Noble cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho 4 kịch bản cho quy hoạch của Mê Linh.

Dựa vào lợi thế sẵn có của “thủ phủ” hoa Hà Nội của Mê Linh, đại diện Liên danh công ty Tư vấn xây dựng Ánh Dương gợi ý Mê Linh về giữ làng hoa, nhưng không chỉ là bảo tồn, mà phải đổi mới phát triển, sáng tạo. Hướng tới yếu tố Xanh, thông minh, bền vững, mang tầm quốc tế.

Cũng mong muốn xây dựng một thành phố hoa, PGS TS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng trường ĐHKTQD - đề nghị cần quy hoạch Mê Linh thành Đô thị hoa – biến nông nghiệp Mê Linh thành nông nghiệp đô thị. “Giá trị của hoa ở Mê Linh không chỉ là giá trị của việc bán một bông hoa, mà còn là giá trị du lịch, giá trị văn hóa….” – ông nói.

Về việc khai thác giá trị ven sông Hồng, PGS TS Hoàng Văn Cường đề nghị cần tính đến việc phát triển hệ thống phòng chống lũ nhưng vẫn phát triển được dịch vụ.

Cũng liên quan đến yếu tố của vùng đất ven sông với những thuận lợi, khó khăn không dễ giải quyết, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên KTS trưởng thành phố - nói: Không gian sông Hồng được nghiên từ năm 1992. Có rất nhiều dự án về sông Hồng, nhưng rất khó thực hiện. Vì vướng rất nhiều vấn đề như phòng chống lũ. “Mê Linh có đồng ý ngập lụt vì các tỉnh khác, hay tỉnh khác chịu ngập để Mê Linh phát triển?” ông đưa câu hỏi để các nhà lập quy hoạch suy nghĩ. Theo quan điểm của ông, vấn đề ven sông Hồng rất phức tạp, khi quy hoạch cần lựa chọn tiến độ để khai thác. Ông gợi ý Mê Linh có thể nghiên cứu phát triển các bãi ven sông, các khu dân cư ven sông.

Xét tới vị trí của Mê Linh trong bối cảnh của “dòng chảy sông Hồng”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam lưu ý đến yếu tố “nước” trong quy hoạch của Mê Linh.

Ông cũng bày tỏ trăn trở: Chúng ta sẽ chọn tương lai là đất hay nước? Giá trị thặng dư như thế nào? Có nên chuyển đổi đô thị giá rẻ để xây dựng tương lai, chưa nói tới việc tương lai có bền vững không?

Theo quan điểm của ông, công tác quy hoạch cần lưu ý ưu tiên đến không gian của những dòng sông, không gian của nước trong đô thị

“Khi nói đến thành phố thông minh, xanh, sáng tạo… không có gì khó cả. Nhưng quan trọng là nên chọn gì? Thành phố của “bất động sản” hay thành phố của không gian rộng rãi? Chúng ta phải đủ thông minh để chọn thế nào là thành phố thông minh.”

Chia sẻ định hướng về việc phát triển thành phố phía Bắc sông Hồng, đại diện Tập đoàn tư vấn Haskoning Hà Lan đưa ra một thực tế đáng e ngại theo nghiên cứu của ông: Đất thì không còn gì cả, nhưng chưa thấy làm được gì. Trong bối cảnh này, theo ông, để xây dựng được một thành phố là không dễ. Về việc phát triển thành phố ven sông, ông cho rằng không thể giữ thực trạng sông hồng như hiện này rồi “nhét” vào đó một đô thị.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hà Lan, ông cho biết Hà Lan đã có một chiến dịch thế kỷ: Dành chỗ cho dòng sông. Tháo xiềng xích cho sông để có vùng sinh thái rộng rãi. Theo chiến dịch này, Hà Lan mở rộng hành lang sông, sau đó mới triển khai đô thị ven sông. “Đây là chiến lược quốc gia, chiến dịch thế kỷ của Hà Lan. Đó mới thực sự là đô thị sông nước.” đại diện của Haskoning Hà Lan nói.

Ông đề nghị Mê Linh dành chỗ cho sông Hồng, tạo một vùng rộng ở Mê Linh, Đông Anh. Kết nối các sông nhánh từ trên xuống... Trên cơ sở có mạng lưới sông, sẽ xây dựng với các mô hình đô thị...

TS Hán Minh Cường – viện trưởng Viện KHCN XD AIST – đề nghị lấy giao thông công cộng làm cơ sở để hình thành hạt nhân phát triển đô thị, sử dụng đất. Với huyện Mê Linh, ông thấy rằng Hà Nội đã có định hướng cụ thể về phát triển giao thông. Mạng lưới giao thông đã quy hoạch mạch lạc. Trên địa bàn huyện Mê Linh đã có tuyến đường sắt đô thị số 7, Tuyến Mnorail, BRT, nhiều tuyến xe buýt… Với mạng lưới giao thông công cộng đó, ông cho rằng có 7 vị trí đầu mối giao thông, hình thành hạt nhân phát triển đô thị. Sau khi đưa ra các đầu mối, sẽ đưa ra định hướng phát triển cho từng mục tiêu.

Ảnh minh hoạ.

Tín hiệu đáng mừng từ TP Hồ Chí Minh

(PLVN) -  Báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý III năm 2024 cho chúng ta thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

(PLVN) -  11 vị trí dọc nhà ga metro, Vành đai (VĐ) 3 dự kiến được TP HCM thí điểm mô hình TOD giúp khai thác tốt quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông công cộng. Kế hoạch triển khai các khu vực TOD tại các dự án trên vừa được UBND TP đưa ra sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP thí điểm một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

(PLVN) -  Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa tổ chức cuộc họp với Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đề nghị thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) kiểm kê đất đai để tiến hành tổng kiểm kê đất đai trên toàn địa bàn.