Theo nội dung công văn do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng kí, giao Sở TN&MT công bố công khai, đồng thời thường xuyên cập nhật các dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đến UBND các quận, huyện và phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Xây dựng cũng phải công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở đã có thông báo của Sở về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê. Giao Công an kiểm tra, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS.
Sở Tư pháp làm chức năng kiểm tra, yêu cầu xử lí các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, đặc biệt tình trạng “kí chờ”, “kí gửi” trong giao dịch BĐS. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các thông tin quảng cáo, rao vặt có liên quan đến hoạt động giao dịch BĐS. UBND thành phố cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch, kinh doanh BĐS phải tìm hiểu kỹ thông tin, hồ sơ pháp lý dự án và quy định pháp luật có liên quan.
Thời gian qua, Báo PLVN đã liên tục phản ánh, do nhu cầu mua, đầu tư, đầu cơ BĐS tại TP.Đà Nẵng rất cao, “cò đất” thực hiện nhiều chiêu trò “thổi giá” khiến thị trường “loạn nhịp”. Cũng chính vì nhu cầu mua, đầu tư, đầu cơ BĐS Đà Nẵng cao mà nhiều dự án đã làm ẩu, bán đất khi chưa hoàn tất mọi thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, tình trạng bán đất khi chưa được định giá tiền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến tình trạng chủ đầu tư và sàn giao dịch “bẻ kèo”, trở mặt với nhau. Nhiều hệ lụy xảy ra, nhiều tranh chấp dai dẳng ảnh hưởng đến môi trường kinh tế chung của thành phố như vụ việc giữa 2 Công ty CP Đầu tư Bát Đạt và Công ty CP Đầu tư BĐS Nhất Nam (trụ sở cùng đóng tại Đà Nẵng).