Cần đưa dự án nhà ở xã hội vào danh mục đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp” diễn ra tại Hà Nội mới đây, ý kiến chuyên gia cho rằng cần đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Một dự án NƠXH cho công nhân tại Cần Thơ.
Một dự án NƠXH cho công nhân tại Cần Thơ.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, hiện Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hằng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tại các khu công nghiệp (KCN) vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động, thiếu nhà ở cho công nhân. Nhiều công nhân buộc phải thuê trọ ở nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.

Tại một số KCN, đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng tỉ lệ lấp đầy còn rất thấp do thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ và còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý, khiến các doanh nghiệp đầu tư cho các dự án nhà ở này gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đây đang là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có các KCN tập trung tìm cách tháo gỡ.

Phát triển nhà ở cho công nhân chưa đạt yêu cầu

Tại Tọa đàm, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS - Bộ Xây dựng) cho biết: Việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển.

Tính đến cuối tháng 9/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng diện tích khoảng 13.800.000m2.

Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án NƠXH dành cho công nhân KCN với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án NƠXH dành cho công nhân KCN với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000m2.

Với việc quy hoạch quỹ đất làm NƠXH cho công nhân KCN, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020, cả nước dành khoảng 600ha đất làm NƠXH cho công nhân KCN. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350ha).

Theo đánh giá của Cục QLN&TTBĐS, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Việc phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân, tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 tầm nhìn 2030 (đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Các ý kiến trong Tọa đàm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thúc đẩy các dự án NƠXH.

Các ý kiến trong Tọa đàm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thúc đẩy các dự án NƠXH.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), quy hoạch xây dựng các KCN có vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nhằm định hướng quy hoạch xây dựng các KCN phát triển đồng bộ với hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia, bảo đảm phát triển bền vững.

Ông Cường nhấn mạnh, để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành, cụ thể là, đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân KCN vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, cần bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư NƠXH cho công nhân, góp phần bảo đảm “mục tiêu kép”; bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Ông Cường cho rằng, trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương cần rà soát các KCN, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

“Các tỉnh, thành khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp đó”, ông Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển NƠXH; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các KCN. Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án NƠXH.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) đồng tình với quan điểm phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu.

Ông Ngọc Anh cũng ủng hộ mô hình Nhà nước, các doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở công nhân, NƠXH; đồng thời nhấn mạnh chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán thì mới có thể giải quyết được những “điểm nghẽn”, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay.

“Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, quy hoạch để bảo đảm người lao động được hưởng thành quả. Không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, như xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất”, ông Ngọc Anh nêu quan điểm.

Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam kiến nghị cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án NƠXH cho công nhân, bảo đảm các dự án này chỉ dành cho đối tượng là công nhân, tránh tình trạng đầu cơ, kiếm lời. Trước khi triển khai dự án, cần khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán, cho thuê. Cần thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân; có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp.

 Khu TĐC thôn Chum Tam nằm bên thung lũng ruộng bậc thang cùng thác nước rất đẹp.

Khu tái định cư bị bỏ hoang tại Kon Tum: Bài 2 - UBND huyện Tu Mơ Rông đề xuất chuyển sang phát triển du lịch

(PLVN) - Khi mới thành lập, khu tái định cư (TĐC) làng Chum Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum được đánh giá cảnh quan tuyệt đẹp với địa hình thoải dốc, gần hai khu thác hùng vĩ, phía dưới là thung lũng với ruộng bậc thang thơ mộng… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, cả 75 hộ đều bỏ về làng cũ.
Nỗ lực đưa thị trấn Vũng Liêm trở thành đô thị loại IV

Nỗ lực đưa thị trấn Vũng Liêm trở thành đô thị loại IV

(PLVN) - Thị trấn (TT) Vũng Liêm là nơi tập trung các cơ quan hành chính, địa bàn phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Giai đoạn 2020-2025, TT Vũng Liêm được tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân với kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, quyết tâm về đích lộ trình phát triển thị trấn lên đô thị loại IV.
 Đoàn giám sát khảo sát tại địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình. (Ảnh: Thùy Chi)

Cần sớm quy hoạch 1/500 các khu dân cư khu vực bãi sông địa bàn Tp Hà Nội

(PLVN) - Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra mới đây, các đại biểu chất vấn lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương của TP về một số vi phạm kéo dài liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn TP Hà Nội.