Nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong cách tính diện tích sử dụng căn hộ được đưa ra trong Thông tư 16/2010/TT-BXD, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD để sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, theo thông tư "chữa cháy" mới được ban hành này, diện tích căn hộ sẽ được tính theo kích thước thông thủy mà không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn nhà.
Thông tư 03 quy định: Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thương mại ký với chủ đầu tư, các bên còn phải ghi rõ thêm các nội dung sau đây: phần diện tích thuộc sở hữu, sử dụng chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn xây dựng căn hộ; diện tích sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy) để tính tiền mua bán căn hộ. Ngoài ra, các khoản như kinh phí bảo trì 2% tiền bán nhà ở, mức phí và nguyên tắc điều chỉnh mức phí vận hành nhà chung cư trong thời gian Ban Quản trị nhà chung cư... cũng phải được các bên ghi rõ vào Hợp đồng.
|
Mô tả cách tính diện tích theo thông thủy |
Riêng diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung. Khi bàn giao căn hộ, các bên phải ghi rõ trong biên bản bàn giao căn hộ hoặc trong phụ lục hợp đồng diện tích sử dụng căn hộ thực tế bàn giao và diện tích ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký; biên bản bàn giao căn hộ hoặc phụ lục hợp đồng được coi là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.
Thông tư 03/2014/TT-BXD sẽ có hiệu lực từ ngày 8/4 tới. Kể từ thời điểm hiệu lực, các giao dịch không tuân thủ sẽ không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày Thông tư có hiệu lực, thì việc xác định diện tích căn hộ sẽ căn cứ vào hợp đồng mua bán căn hộ các bên đã ký trước đó.
Đầu năm 2014, Thông tư 16 của Bộ Xây dựng đã bị Bộ Tư Pháp "tuýt còi" vì những điểm bất hợp lý. Điển hình nhất, theo Cục kiểm tra văn bản, Thông tư 16 đã "vô tình" biến phần chung thành sở hữu riêng; đồng thời khiến khách hàng phải mất tiền vì những phần diện tích ảo.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của các văn bản nêu trên và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian 30 ngày theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, trong năm 2013, trên thị trường bất động sản liên tục xảy ra “đại chiến” giữa khách hàng và chủ đầu tư các dự án do sự bất nhất trong cách tính diện tích sàn nhà chung cư. Nhiều cuộc tranh chấp căng thẳng đến mức “sứt đầu mẻ trán” như vụ việc tại chung cư Đại Thanh (tháng 10/2013-PV).
Cũng vì không tìm được tiếng nói chung trong cách tính diện tích sàn, nhiều cư dân sinh sống tại chung cư hiện đại nhất Việt Nam-Keangnam cũng đệ đơn lên tòa án đòi hủy hợp đồng, trả lại nhà cho chủ đầu tư.
Trên thị trường, hàng loạt các dự án khác ở Hà Nội như Văn Lương Residential của Tập đoàn Nam Cường, Mỹ Đình Plaza… cũng nổ ra tranh chấp chỉ vì sự bất nhất trong cách tính diện tích sàn nhà chung cư mà nguyên do chính nằm ở Thông tư 16 của Bộ Xây dựng khi cho phép doanh nghiệp được tính diện tích căn hộ bao gồm cả tường chung, hộp kỹ thuật, cột…đi ngược với các quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71 của Chính phủ.
Sơn Bách
Theo Vietnam+