Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 124/TB-VPCP ngày 23/4/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Thông báo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022. Trên tinh thần quyết tâm thực hiện thành công, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan cần thống nhất đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, khắc phục triệt để những tồn tại trong thời gian qua.
Để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư theo thẩm quyền hướng dẫn các bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan theo nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản để hướng dẫn chi tiết đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 43/2015/QH15 ngày 11/1/2022.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý: Nghiên cứu kỹ hình thức văn bản trên nguyên tắc đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật; nội dung văn bản quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí bảo đảm lựa chọn được các nhà thầu có tiềm lực mạnh và uy tín (để sử dụng tối đa năng lực quản trị, năng lực tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp…); quy định thưởng phạt trong thực hiện hợp đồng về tiến độ, chất lượng…, yêu cầu về chất lượng thi công và đặc biệt là tiêu chí về thời gian thi công (để bảo đảm mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/5/2022.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, Nghị quyết nêu rõ đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 146.990 tỷ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức thu phí tự động không dừng; xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương.