Vi phạm trong thời gian dài
Năm 2007, Công ty TNHH Hồng Thịnh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của các hộ gia đình, cá nhân và được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất (đợt 1) với diện tích 9.331,3 m2. Sau đó, Công ty Hồng Thịnh đã xây dựng nhiều nhà xưởng để hoạt động và cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại sử dụng không đúng mục đích, trong khi còn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Từ thời điểm năm 2007, người dân nhượng lại đất trồng lúa, trồng hoa màu cho doanh nghiệp này với mong muốn góp phần xây dựng phát triển kinh tế cho địa phương và để được hỗ trợ công ăn việc làm, nhưng doanh nghiệp này lại bất tín, lấy đất nhằm thâu tóm vị trí “đất vàng” để sử dụng vào mục đích khác, hệ quả gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Khoa Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Lim cho biết, “Sở TN&MT và UBND huyện Tiên Du nhiều lần về kiểm tra dự án này, còn kết quả xử lý như thế thì tôi không được biết. Hai năm tôi chuyển lên giữ chức chủ tịch UBND thị trấn cũng chưa lần nào vào kiểm tra hoạt động tại Dự án nên cũng không nắm được trong đó hiện nay họ hoạt động như thế nào và cho những Công ty nào thuê”.
Trong suốt 10 năm (từ 2007 – 2017), Công ty Hồng Thịnh vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng hàng loạt nhà xưởng được “mọc lên” và được sử dụng sai mục đích.
Không chỉ vậy, Công ty Hồng Thịnh còn cho 4 doanh nghiệp khác thuê lại đất để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian dài, nhưng các cấp chính quyền huyện Tiên Du vẫn đứng ngoài cuộc.
Để doanh nghiệp Hồng Thịnh thao túng các hoạt động tại dự án này trong thời gian rất dài, chỉ đến khi người dân đâm đơn lên UBND tỉnh Bắc Ninh phản ánh về những góc tối đang diễn ra tại dự án này, mới được UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan để vào cuộc thanh tra dự án này.
Theo kết luận Thanh tra của Sở TN&MT, đến thời điểm thanh tra, Công ty Hồng Thịnh vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất (đợt 1) với Sở TN&MT nhưng khi được giao đất trên thực địa Công ty đã san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng sản xuất, lắp ráp loa đài, âm ly, đồ điện tử đến năm 2012 nhưng không hiệu quả nên Công ty Hồng Thịnh đã dừng sản xuất và xây dựng thêm nhà xưởng để cho 4 Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thuê lại.
Tại thời điểm này, cơ quan thanh tra phát hiện rất nhiều vi phạm, trong đó xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 1.728m2, ngoài ra vi phạm về lĩnh vực xây dựng; môi trường và chưa nộp tiền sử dụng đất.
Cũng qua thanh tra phát hiện, 4 Công ty thuê lại đất của Công ty Hồng Thịnh đều không chấp hành về luật bảo vệ môi trường.
Dấu hiệu hợp thức hóa
Tưởng chừng những vi phạm của Công ty Hồng Thịnh do cơ quan thanh tra chỉ ra sẽ được cơ quan chuyên trách kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm hoặc chấm dứt hoạt động của dự án từ năm 2017 như dự án vi phạm về đất đai, xây dựng khác. Tuy nhiên, các vi phạm lớn kéo dài trong 10 năm gây ảnh hưởng xấu đến dư luận của đơn vị này đã không bị xử lý.
Không những thế, cơ quan tham mưu lại đề xuất ký Hợp đồng cho Công ty Hồng Thịnh thuê đất với diện tích 9.331,3m2 (đợt 1), kể từ ngày 3/7/2017.
Trên cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất (đợt 1) và văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư và báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 23/9/2020 UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư Công ty Hồng Thịnh và được điều chỉnh thành “Dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất lắp giáp loa đài, âm ly, đồ điện tử, kho chứa nông sản và vật liệu xây dựng”.
Đến tháng 12/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất (đợt 2) với diện tích 3.102,5 m2 cho Công ty Hồng Thịnh thuê với tổng diện tích là 12.433,8m2 đất.
Ông Nguyễn Khoa Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Lim cho rằng, hồ sơ do Công ty Hồng Thịnh phối hợp với UBND huyện thực hiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét duyệt chuyển mục đích sử dụng và giao đất, còn hồ sơ tôi cũng không nắm được.
Vậy câu hỏi đặt ra, hồ sơ “tấu trình” cấp có thẩm quyền được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên trách thẩm định như thế nào đối với hiệu quả của dự án và hoạt động chấp hành pháp luật của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng TN&MT UBND huyện Tiên Du cho biết, Dự án này chủ yếu là đất nông nghiệp của người dân do doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường và có một phần đất công ích và đất thổ cư thì UBND huyện đứng ra thu hồi. Sau đó, làm các thủ tục trình UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho doanh nghiệp.
Tìm hiểu được biết, chủ đầu tư không có uy tín với đối tác và người dân địa phương trong quá trình thực hiện dự án nên hiện nay còn không ít hộ dân không chuyển nhượng đất nông nghiệp cho Công ty Hồng Thịnh nên thực trạng xung quanh dự án này vẫn còn đan xen đất nông nghiệp của người dân trồng trọt hoa màu, khiến dự án lộm cộm, nhếch khác và khó coi.
“Dự án tiếp giáp với Trung tâm thị trấn Lim, vì vậy những ô đất trống liền sát và những diện tích đất xung quanh chưa giao cho Công ty Hồng Thịnh phù hợp với quy hoạch đất ở. UBND thị trấn Lim đã báo cáo UBND huyện Tiên Du trình cấp có thẩm quyền dừng giao đất đối với Công ty Hồng Thịnh vì sử dụng đất sai mục đích và hiện đang có tranh chấp”, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Khoa Tâm thông tin.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.