Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới về hàng hóa và dịch vụ giữa 12 quốc gia quanh khu vực Thái Bình Dương, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản; Canada, Chile, Mexico, Peru, Hoa Kỳ; Úc và New Zealand. Hiệp định TPP nhằm mục đích giảm các rào cản thương mại giữa các nước thành viên. TPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do thuần túy, mà nó còn yêu cầu các nước tham gia phải áp dụng các tiêu chuẩn pháp lý nhất định, bao gồm nhưng không giới hạn các quy định nghiêm ngặt về lao động và môi trường, khuôn khổ chung cho tài sản, bảo hộ pháp lý rõ ràng hơn và việc gia hạn bản quyền thời hạn bảo hộ.
Là nước kém phát triển nhất trong số tất cả các thành viên TPP, Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thỏa thuận này với sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, chi phí nhập khẩu thấp hơn, và năng suất cao hơn do sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài hơn. TPP dự kiến sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 46 tỷ đô trong 10 năm từ mức 200 tỷ đô hiện tại.
Mặc dù tác động của TPP lên thị trường bất động sản không lớn như các ngành công nghiệp may mặc, thủy sản và nông nghiệp, nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản như khu công nghiệp, nhà kho, và ngành hậu cần sẽ có sự gia tăng nhất định nhờ thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhu cầu về văn phòng và nhà ở cũng dự kiến sẽ tăng lên để đáp ứng các yêu cầu thuê mặt bằng và chỗ ở của các công ty nước ngoài và người nước ngoài.
Đối với ngành công nghiệp và kho bãi, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ tăng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam nhờ vào việc miễn thuế của nước này trên các sản phẩm chính như may mặc. Các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc. Tương tự như trên, các nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn sẽ xem xét việc chuyển đổi từ các nước ngoài hiệp định TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. Điều này sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy, không chỉ các nước trong hiệp định TPP mà còn từ các nước không có trong hiệp định như Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, những nước vốn luôn muốn chạy trước hiệp định cũng sẽ sớm đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh này, chủ đầu tư khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi một số lượng lớn các công ty dệt may/thủy sản di dời đến Việt Nam.
Nhu cầu cũng được nhận định sẽ tăng đối với đất công nghiệp. Nguồn cung hạn chế của đất tiêu chuẩn là yếu tố sẽ khiến giá đất thay đổi, đặc biệt là ở những khu vực được săn tìm nhiều nhất bởi các nhà sản xuất hàng may mặc như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Việc tăng giao dịch thương mại cũng sẽ dẫn theo tăng nhu cầu cho các dịch vụ hậu cần, văn phòng và nhà ở. Tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng trưởng dự kiến của các công ty nước ngoài đến Việt Nam đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn. Căn cứ theo Luật Nhà ở mới, trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam kể từ ngày 01/07/2015, nhiều khách hàng nước ngoài sẽ được khuyến khích sở hữu một căn hộ tại Việt Nam thay vì đi thuê, đặc biệt là khi giá bán nhà ở tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với giá nhà trong các nước khu vực lân cận.
Hiệp định TPP chắc chắn sẽ là một cú hích quý giá cho nền kinh tế xuất khẩu tập trung của Việt Nam. Chặng đường những năm sắp tới hẳn sẽ rất thú vị cho Việt Nam, với điều kiện hiệp định này được thông qua tại các nước thành viên khác. Doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lao động, công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng suất cũng như tuân thủ luật pháp đế đón đầu các cơ hội vàng này.