Thị trường sáng sủa
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản (BĐS) có sự phát triển tương đối tốt khi số doanh nghiệp (DN) BĐS thành lập mới tăng mạnh: Trong 11 tháng năm 2017, có 4.500 DN kinh doanh BĐS được thành lập, tăng 60% về số DN và số vốn, tăng 18,6% về lao động); 155.300 DN xây dựng thành lập mới (tăng 9% về số vốn).
Về quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/DN trước đây lên đến 68 tỷ đồng/DN trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin đang cải thiện với số DN BĐS niêm yết tăng từ 11 DN lên đến gần 60 DN hiện nay.
“Kết quả kinh doanh khả quan khi hết tháng 9/2017, DN BĐS niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%. Thị trường, giá cả tăng từ 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ...” - TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Theo TS. Lực, ngay cả vấn đề vốn cho BĐS cũng rất tích cực. Mặc dù bị ngân hàng kiểm soát nhưng giảm không nhiều, trong khi đó dòng vốn đầu tư khác vào BĐS rất ấn tượng, như vốn của tư nhân đổ vào BĐS tăng 60%. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh BĐS của Việt Nam đến 31/10/2017 là khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS và xây dựng chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ (theo Uỷ ban Giám sát Tài chính).
Tín dụng tiêu dùng hết tháng 6/2017 là 743.000 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng dư nợ); trong đó, dư nợ cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà chiếm khoảng 6,2% tổng dư nợ. “Tôi cho rằng, thị trường BĐS năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan”,TS. Lực nhận định.
Bùng nổ trong năm 2018
Trong khi đó, đánh giá về thị trường BĐS trong năm 2018, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho biết, trong năm tới, nguồn cung sẽ có sự đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề; đặc biệt là số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép đang rất nhiều, do đó việc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Để dẫn chứng, ông Hưng cho biết trong năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, đây sẽ là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển BĐS, do tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn nên đây cũng là tiền đề cho chu kỳ 10 năm phát triển của BĐS trong tương lai.
Theo ông Hưng, vấn đề quan trọng nhất trong thị trường BĐS chính là quỹ đất phát triển. Sự phát triển nhanh, nhu cầu lớn của phân khúc căn hộ giá rẻ đang làm thay đổi và tiêu tốn quỹ đất khá nhanh. “Trong 2 - 3 năm tới, thị trường BĐS sẽ toàn cầu hóa thực sự, người Việt Nam dễ dàng đi mua nhà ở nước ngoài và người nước ngoài cũng sẽ mua nhà nhiều hơn tại nước ta. Việc xuất khẩu BĐS sẽ diễn ra ngay tại chỗ, doanh nghiệp sẽ thu được ngoại tệ từ chính khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức đầu tư FDI nữa”, ông Phạm Thanh Hưng cho hay.
Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cũng cho biết, tỷ lệ người Mỹ, Đức, Anh tìm kiếm thông tin về BĐS Việt Nam rất cao. Ngay trong khu vực, các nhà đầu tư Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong… cũng đang tham gia đầu tư BĐS Việt Nam khiến giá sản phẩm phân khúc trung và cao cấp biến động theo xu hướng tăng lên.
“Giá BĐS Việt Nam bị coi là cao so với thu nhập của người dân trong nước nhưng lại chỉ bằng với số tiền tích lũy mỗi năm của người Hàn Quốc (khoảng 2- 3 tỷ đồng). Hàn Quốc có hàng triệu người tích lũy được mức tiền đó mỗi năm, trong khi cũng có hàng trăm nghìn người Hàn đang sống và làm việc tại Việt Nam. Doanh nghiệp BĐS có thể đón làn sóng khách hàng này”, ông Hưng nói.