Hôm qua, 13/10, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet – Bộ TT&TT và Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế chính thức công bố BXH V1000 – 1000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2016. Đây là năm thứ 7 liên tiếp BXH V1000 được công bố.
Top 10 - Dầu khí, ngân hàng vẫn “soán” ngôi
Theo số liệu thống kê của BXH V1000 năm nay, tổng số thuế mà các DN V1000 đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với tổng số thuế của BXH năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu NSNN năm 2015... Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đã đóng góp gần 75% tổng số thuế TNDN toàn BXH.
Top 10 của BXH năm nay ghi nhận sự hiện diện diện của 3 ngân hàng nhà nước đứng ở ba vị trí liên tiếp đó là: Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. BXH V1000 năm 2016 cũng lần đầu tiên ghi nhận một DN tư nhân, Vinamilk, đứng trong Top 5. Một số tên tuổi quen thuộc có đóng góp đáng kể cho NSNN nhiều năm qua như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, TCty khí Việt Nam, Cty Honda Vietnam,… tiếp tục duy trì được vị trí trong Top các DN đầu của BXH V1000 năm 2016.
So với Top 10 của BXH năm 2015, 2 DN đã không trụ vững vị trí là Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và Cty TNHH quốc tế Unilerver Việt Nam, thay vào vị trí đó là Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam và TCty Thăm dò khai thác dầu khí- Cty TNHH nhà nước (PVEP).
Như vậy, trong Top 10 DN của BXH đã có 3 DN thuộc “họ” dầu khí, 3 DN thuộc “họ”ngân hàng, 2 DN thuộc “họ” viễn thông, 2 DN còn lại là ô tô- xe máy và sữa.
Doanh nghiệp nhà nước vẫn là “đầu tàu”
Trong BXH V1000 năm nay, khối DNNN vẫn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào nguồn ngân sách quốc gia. Các DNNN đóng góp gần 60% tổng số thuế TNDN của toàn BXH, tăng lên mức đáng kể so với tỉ lệ 45% của năm 2015.
Khối DN tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%, đáng ghi nhận sự có mặt của DN tư nhân trong Top 5 DN đầu bảng (Vinamilk). Theo nhận định của Vietnam Report, sự góp mặt của các DN tư nhân trong Top 10 của BXH V1000 trong các năm tới là điều hoàn toàn khả thi.
Xét về ngành nghề, tuy số DN trong BXH của ngành khoáng sản, xăng dầu không nhiều nhưng lại đóng góp đến 30% tỷ trọng NSNN. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, CNTT với tỷ trọng đạt 15% và tiếp theo là ngành tài chính với 11%. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản mặc dù có số DN chiếm nhiều nhất trong BXH nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ ở mức 8% trong tổng số thuế đóng góp của BXH.
Doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến trong chính sách cải cách thuế
Khảo sát DN trong BXH V1000 cũng cho thấy, có đến 88% DN phản hồi đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong khoảng 2 năm trở lại đây và chỉ có 1% DN phản hồi có phần tiêu cực.
So với năm 2015, đánh giá của các DN đối với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam đã có phần khả quan hơn. Nếu như trong năm 2015, có tới 61% số DN mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế thì đến nay, con số đã đảo ngược lại khi 65% DN phản hồi rằng hệ thống thuế đã đạt tới mức tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều hoặc nếu có thì chỉ cần điều chỉnh chút ít. Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% DN đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho DN hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trong 8 sắc thuế có liên quan trực tiếp tới hoạt động SXKD của DN (thuế môn bài, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế XNK, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên) thì thuế TNCN và thuế TNDN vẫn là hai loại thuế nằm trong mối quan tâm hàng đầu của DN khi có có tương ứng 25% và 23% DN quan tâm đến vấn đề thuế TNCN và thuế TNDN và cho rằng hai loại thuế này còn cần phải điều chỉnh nhiều.
Vẫn mong muốn tiếp tục cải cách
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong năm 2015 vừa qua, các DN vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu sau liên quan đến thuế, bao gồm các quy định pháp luật, chính sách thuế, với 56% số DN lựa chọn ý kiến này; thủ tục hành chính (TTHC) phức tạp (36%); các vấn đề kê khai thuế qua mạng (23%), biểu mẫu rườm rà (20%), quá trình thanh, kiểm tra (17%).
Từ kết quả nêu trên, số DN quan tâm đến vấn đề thủ tục kê khai thuế qua mạng đã tăng đáng kể từ 11% năm 2014 đã lên thành 23% năm 2015, trở thành mối bận tâm đứng thứ ba, sau TTHC, trước cả nỗi lo hàng năm của DN là vấn đề biểu mẫu rườm rà, hay thay đổi.
Ghi nhận những nỗ lực của ngành thuế trong việc cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho DN, nhưng kết quả khảo sát vẫn cho thấy 91%. DN mong muốn nhất ở ngành thuế là hoạt động đơn giản hóa các TTHC. Đi kèm với tiến trình cải cách thuế trên thế giới là việc tiếp cận và phổ cập kê khai thuế điện tử. Có đến 62% DN quan tâm và mong muốn tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện TTHC thuế vì lợi ích của hệ thống kê khai thuế điện tử. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số DN phản hồi lại do có nhiều thay đổi liên tục trong một số chính sách nên DN gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện, nhất là đối với các DN thuộc vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đối với việc ứng dụng CNTT trong cải cách thuế, nhiều DN cũng phản hồi nguyện vọng mong muốn được hướng dẫn cụ thể, và phổ cập phần mềm kê khai cho phù hợp với hệ thống CNTT tại địa phương.
Khó khăn khiến doanh nghiệp trễ nải trong thực hiện nghĩa vụ thuế
Trong phản hồi của DN, có đến 54% DN cho rằng sản xuất kinh doanh (SXKD) khó khăn là lí do chính khiến các DN còn e ngại nộp thuế, tiếp theo sau đó các quy định, chính sách thuế của Chính phủ với tỷ lệ lựa chọn là 42%.
Hiện nay, đứng trước thách thức hội nhập cùng với hàng loạt hiệp định tự do thương mại được ký kết, DN đang gặp phải nhiều khó khăn như dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế yếu, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến đình trệ hoạt động SXKD.
Nhiều DN cũng cho rằng việc tiếp cận với chính sách giảm thuế là khó khăn vì khi SXKD đình trệ, không có thị trường tiêu thụ hàng hóa, DN bị thua lỗ thì sẽ dẫn tới DN không có TNDN và không nhận được hỗ trợ giảm thuế từ phía Chính phủ. Đó cũng là lý do vì sao nhiều DN còn chậm, trễ nải trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế.