Hoạt động văn hóa thì ít kinh doanh thì nhiều
Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam - (TLVHNTVN) được thành lập và xây dựng trên cơ sở là nơi thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa lớn, phục vụ đất nước, dân tộc. Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trung tâm TLVHNTVN thực hiện các nhiệm vụ chính trị văn hóa, xã hội thì ít, tổ chức kinh doanh, “xẻ thịt” cho thuê mặt bằng thì nhiều. Điều đáng nói, các hoạt động kinh doanh không được công khai minh bạch làm thất thoát ngân sách nhà nước, hình thành các nhóm lợi ích, chi phối hoạt động của trung tâm, biến trung tâm thành cơ sở kinh doanh dịch vụ tầm thường.
Mặc dù hoạt động kinh doanh cho thuê mướn mặt bằng, địa điểm tổ chức sự kiện là chính nhưng hằng năm trung tâm TLVHNTVN vẫn nhận hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách. Thực tế, từ năm 2014, dưới sự điều hành của ông Dương Văn Quynh - Giám đốc Trung tâm TLVHNTVN, mỗi năm trung tâm vẫn “ngửa tay” nhận 23 tỷ đồng tiền ngân sách từ Bộ VHTT&DL.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất là, các hoạt động do trung tâm TLVHNTVN tổ chức quá ít so với quy mô, nhân lực và nguồn ngân sách được rót về. Năm 2014 trung tâm TLVHNTVN tổ chức 38 sự kiện, tuy nhiên có đến 21 sự kiện là cho thuê địa điểm, thuê các đơn vị bên ngoài tổ chức. Năm 2015 có 48 sự kiện nhưng có tới 26 sự kiện là cho thuê hoặc cho các đơn vị bên ngoài vào tổ chức, chiếm 50% hoạt động của trung tâm. Năm 2016 trung tâm có 42 sự kiện nhưng có tới 26 sự kiện là do các đơn vị bên ngoài tổ chức, thuê mướn địa điểm, chiếm gần 70% hoạt động của trung tâm
Như vậy, hoạt động do trung tâm TLVHNTVN tổ chức chiếm số lượng không nhiều nhưng số lượng nhân viên quá đông (130 người) dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, nhiều cán bộ, nhân viên trong trung tâm không có việc làm thường xuyên.
“Thực tế từ 70% các hoạt động diễn ra tại trung tâm hiện nay là cho thuê mặt bằng, tổ chức các sự kiện thì thuê các đơn vị bên ngoài vào làm, dẫn đến 50 % viên chức, người lao động của trung tâm không có việc làm, thu nhập bình quân lương tăng thêm hằng năm giảm từ 0,5 xuống còn 0,3%. Thế nhưng, từ tháng 4/2013 đến nay, đồng chí Giám đốc vẫn ký hợp đồng thêm cho gần 30 người vào làm hợp đồng mà không có chủ trương của Ban giám đốc và không thẩm định chất lượng đầu vào, không có trong xác định vị trí việc làm. Trong khi, các phòng ban đều không có nhu cầu và đề xuất thêm người”, một cán bộ của trung tâm cho biết.
Tài chính mập mờ, thất thoát ngân sách
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động kinh doanh chính của trung tâm TLVHNTVN chủ yếu là “xẻ thịt” cho thuê các mảnh đất vàng của trung tâm, bất chấp việc này làm giảm quy mô diện tích cho các hoạt động văn hóa, xã hội tại trung tâm.
Nhưng điều kỳ lạ nhất chính là 6 địa điểm vàng mà giám đốc trung tâm TL VHNTVN ký quyết định cho thuê lại không nằm trong đơn giá. Chính vì thế, lợi dụng sự sơ hở này, nhiều đối tác thuê mặt bằng đã bất chấp hợp tác với các phòng chức năng của trung tâm dẫn tới việc lợi dụng tài chính của trung tâm để triển khai các dự án không phục vụ cho trung tâm mà chỉ phục vụ cho các cá nhân.
Cụ thể, sử dụng số tiền 120 triệu động làm nhà xe của trung tâm nhưng lại để cho chủ thuê mặt bằng “sử dụng miễn phí”; các đối tác nợ tiền điện nước hơn một năm lên đến trên 200 triệu đồng nhưng không trả cho trung tâm, đồng thời các đối tác tự ý chuyển nhượng mặt bằng cho thuê cho nhiều đối tác khác nhau để kiếm lời.
Theo một số cán bộ tại trung tâm phản ánh, có đối tác tự mở rộng mặt bằng, bịt các lối đi của trung tâm và sử dụng cả bể cứu hỏa của trung tâm để kinh doanh. Mặt bằng được mở rộng ra đến 300 m2 làm quán Bamboo giữa con phố sầm uất Hoa Lư, Hai Bà Trưng nhưng giá thuê “rẻ như bèo” (35 triệu đồng/ tháng).
Thế nhưng, ông Dương Văn Quynh không cần thông qua ban giám đốc mà mạnh dạn miễn hẳn 3 tháng tiền thuê nhà (gần 300 triệu) và giảm giá 10 triệu đồng/ tháng cho đối tác là nhà hàng Bull House.
Mặc dù các đối tác chưa ký hợp đồng nhưng ngang nhiên sử dụng vật liệu của cơ quan; tự ý đập phá, sửa chữa tầng 3 nhà M2 của trung tâm. Nhưng các đối tác càng lộng hành thì ông Dương Văn Quynh càng tạo điều kiện, như: giảm giá thuê nhà trong khi đối tác nợ tiền điện, nước lên đến 400 triệu đồng…
Một cán bộ của trung tâm chia sẻ rằng: “Nếu chỉ tính với mức giá rẻ mà trung tâm cho thuê, mỗi năm tiền cho thuê mặt bằng phải lên đến 2-3 tỷ đồng. Thế nhưng chúng tôi chẳng bao giờ thấy lãnh đạo trung tâm đưa ra chủ trương tổ chức đấu thầu. Điều đó khiến cho việc cho dịch vụ cho thuê mặt bằng không đảm bảo về giá cả thị trường, gây thất thoát tiền ngân sách từ những mập mờ khi sử dụng điện, nước của cơ quan”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do mập mờ trong vấn đề sử dụng điện nước đã gây thất thoát hơn 200 triệu đồng từ cơ quan. Tuy nhiên, không ai biết sự việc này cho đến khi Kiểm toán Nhà nước làm việc đã phát hiện trong hợp đồng cho thuê không có các khoản chi trả tiền điện nước nên đã đề nghị trung tâm truy thu hơn 200 triệu đồng.
Các hoạt động do trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức chiếm số lượng quá ít dẫn đến dư thừa lao động, nhiều cán bộ, nhân viên trong trung tâm không có việc làm thường xuyên |
Có dấu hiệu lập chứng từ khống?
Không chỉ có sự nhập nhèm trong dịch vụ cho thuê mặt bằng, tại trung tâm TLVHNTVN còn có dấu hiệu lập chứng từ khống, làm tròn hồ sơ trong mua sắm vật tư, thuê trang thiết bị phục vụ các sự kiện văn hóa, xã hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho trung tâm hàng chục tỷ đồng cho việc mua sắm, thuê vật tư đi triển lãm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, khâu đấu thầu trong thuê, mua, bán vật tư cũng như khâu bảo quản, xuất nhập kho vật tư đi triển lãm đều bị bỏ qua. Việc cho cán bộ quản lý, cho người trực triếp sử dụng vật tư (không có bộ phận giám sát) đi mua, bán hoặc thuê vật tư đều không đúng đối tượng và không làm các thủ tục bảo quản, xuất nhập kho trái với quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại Quyết định số 80/QĐ-TLVHNTVN của trung tâm VHNTVN do ông Dương Văn Quynh ký duyệt ngày 9/12/2015 chỉ định người cung cấp tranh nghệ thuật để phục vụ triển lãm “Không gian Văn hóa Việt Nam” tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. Người được chỉ định là ông Phạm Hồng Phương là người cung cấp tranh phục vụ triển lãm với giá trị hợp đồng là 62.500 nghìn đồng, loại hợp đồng trọn gói.
Tại hợp đồng thuê tranh (số 66 ngày 10/12/2015) giữa trung tâm TL VHNTVN (bên A) và ông Phạm Hồng Phương (bên B) nêu rõ bên B cung cấp cho bên A 25 bức tranh sơn dầu, 25 bức tranh sơn mài. Nhưng tại Biên bản bàn giao (ngày 14/12/2015) thì người giao trang là ông Lê Công Thành chứ không phải ông Lê Hồng Phương. Số lượng tranh trong hợp đồng cũng bị giảm xuống từ 50 bức xuống còn 45 bức nhưng số tiền vẫn giữ nguyên.
Ngoài ra, để phục vụ triển lãm tại Berlin, trung tâm TLVHNTVN đã mua rất nhiều sản phẩm như: Hợp đồng dịch vụ (số 65-HĐDV, ngày 10/12/2015) cung cấp tranh và vật phẩm đi triển lãm “Không gian văn hóa Việt Nam” tại Berlin giữa Trung tâm TLVHNT Việt Nam với bà Nguyễn Thị Thu Hương (chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Hợp đồng dịch vụ (số 67-HĐDV, NGÀY 10/12/2015) giữa trung tâm TLVHNTVN với Công ty TNHH Đầu tư Triển lãm VHNT Việt Nam trị giá 42.350 nghìn đồng; Hợp đồng thuê gốm (số 81, ngày 10/12/2015) giữa trung tâm TLVHNTVN với ông Lê Văn Thụ trị giá 51.650 nghìn đồng; Hợp đồng dịch vụ (số 82, ngày 10/12/2015) giữa trung tâm TLVHNTVN với bà Nguyễn Thị Thu Hương, trị giá 32.160 nghìn đồng…
Thế nhưng, tại Giấy cam kết do ông Dương Văn Quynh – Giám đốc trung tâm ký xác nhận vào ngày 12/1/2016 lại xác nhận việc tham gia triển lãm “Không gian văn hóa Việt Nam” ở Berlin, Cộng hòa Liêng bang Đức: Đoàn chúng tôi có 6 thành viên, mang 47 tác phẩm do chúng tôi tự thêu, tự vẽ sang trưng bày triển lãm. Nay triển lãm đã kết thúc, chúng tôi sẽ mang hàng về lại Việt Nam”.
Nói về vấn đề này, một cán bộ phụ trách mua sắm vật tư của trung tâm cho biết: “ có rất nhiều hợp đồng mua vật phẩm mang đi triển lãm ở Berlin. Hợp đồng mua tranh chỉ là một trong số những hợp đồng như vậy…”.
Vậy, phải chăng có sự mập mờ trong việc mua bán vật phẩm mang đi triển lãm ở Berlin? Tại sao trung tâm TLVHNTVN mua nhiều như vậy nhưng giám đốc Quynh khẳng định chỉ có 47 tác phẩm tranh thêu mang đi dự triển lãm? Phải chăng chỉ là hợp đồng khống, làm tròn hồ sơ, không có hàng hóa thật trong kho?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.