Thông tin do Công ty Định giá thương hiệu độc lập và Tư vấn chiến lược Brand Finance công bố về TOP 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2018 cho hay Việt Nam có 3 ngân hàng, gồm Vietinbank, BIDV, Vietcombank lọt vào nhóm này và 7 ngân hàng được Moody’s xem xét nâng hạng tín dụng cơ sở.
Vào tháng 12/2017, The Asian Banker đã công bố kết quả nghiên cứu hằng năm về hoạt động tài chính và kinh doanh của ngành ngân hàng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương và đưa ra kết luận về những thể hiện tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó có đến 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam được lọt vào danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cụ thể, trong bảng xếp hạng, về quy mô tài sản, Vietcombank đứng ở vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam (thứ 188 trong Bảng AB 500) nhưng lại được đánh giá cao về khả năng sinh lời khi xếp thứ 48 trong danh sách về Strength Rank, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam.
HDBank trở thành nhân tố bất ngờ khi vượt lên nhiều ngân hàng về nỗ lực làm mới, để xếp ở vị thứ 8 cao hơn hẳn cả ở hai tiêu chí đánh giá là về quy mô tài sản và khả năng sinh lời. Theo đó, HDBank tiệm cận những ngân hàng nhóm “Big Four” như Vietcombank, BIDV, Vietinbank.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khu vực, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu “thu hái” thành quả từ quá trình dày công đầu tư cho hệ sinh thái và hệ thống quản trị hiện đại của mình.
Đặc biệt, điều này cho thấy các ngân hàng Việt đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế cũng như những đổi mới đột phá của các định chế, thể chế.
Ví dụ, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm lãi suất cho vay tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng tâm trong năm 2018.
Điều này nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng cũng như tăng doanh số của các hoạt động tín dụng của các ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ), các thương vụ lần đầu phát hành cổ phần ra công chúng (IPO) thành công của các ngân hàng Việt là tín hiệu tích cực về tín nhiệm của mình. Bởi, IPO sẽ củng cố khả năng tạo vốn và khoảng đệm dự phòng lỗ trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.
Mới đây, tháng 1/2018, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã bán 20% cổ phần trong đợt IPO cho các nhà đầu tư nước ngoài và đã thu về 300 triệu USD. Đây là thương vụ IPO lớn thứ 2 trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, sau thương vụ IPO của Vietcombank (trị giá 463 triệu USD trong năm 2007).
Theo đánh giá của Moody’s, IPO lần này sẽ giúp cho tỷ lệ vốn cấp 1 của HDBank tăng lên 14,8% (thêm gần 4 điểm phần trăm) và sẽ giúp HDBank trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất trong số các ngân hàng được Moody’s xếp hạng.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh ngân hàng năm 2017 là phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng vọt lên đến cả ngàn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh, thậm chí, gấp đôi, gấp ba so với năm 2016. Đồng thời, chất lượng tài sản hệ thống tài chính tín dụng đã được cải thiện. Theo ước tính của NFSC, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tài chính tín dụng cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay của các ngân hàng đang được giới chuyên gia đánh giá là một năm “đỉnh”.
Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), dù lợi nhuận quý IV hạn chế nhưng cả năm 2017 lại tăng trưởng mạnh và vượt xa chỉ tiêu. Theo đó, Ngân hàng này đã công bố nâng tỷ lệ trả cổ tức năm nay dự kiến 12%. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có cơ sở để trình đại hội đồng cổ đông tới đây một tỷ lệ chi trả cổ tức cao vì đây là một trong những ngân hàng dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam về lợi nhuận (con số tuyệt đối).
Đặc biệt, theo ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, sau kết quả lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu năm qua, HDBank sẽ tiếp tục chi trả cổ tức cao, cùng với cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Dự kiến mức chi trả có thể lên tới 30%, chi tiết sẽ trình đại hội.
HDBank là trường hợp có truyền thống chi trả cổ tức lớn và nhanh. Thậm chí có năm, khi mà nhiều ngân hàng không được trả cổ tức, hoặc chỉ được trả các mức dưới 5%, chủ yếu bằng cổ phiếu, thì HDBank trả luôn 10% bằng tiền mặt.