Kết quả này có được nhờ phần đóng góp không nhỏ từ việc triển khai Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 về phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS.
Đa dạng hơn nữa các hình thức phối hợp giữa hai cơ quan
Chia sẻ một số kết quả đạt được sau hơn 01 năm thực hiện Quy chế số 01, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết: Sau khi Quy chế có hiệu lực, việc quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đó là việc thành lập, kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý nợ xấu tại Tổng cục THADS và Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu tại các Cục THADS cấp tỉnh để định hướng, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các vụ việc liên quan. Có thể khẳng định, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành là một trong số nguyên nhân quan trọng tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống.
Nổi bật hơn cả là kết quả thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tổng số phải thi hành loại này là 19.297 việc, với số tiền hơn 78,65 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 2,35% về việc và 58,86% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc.
Số việc đã thi hành xong được 3.348 việc, thu được số tiền trên 19,65 nghìn tỷ đồng (tăng 305 việc và gần 3,86 nghìn tỷ đồng), đạt tỷ lệ 17,35% về việc và 24,99% về tiền (giảm 0,65% về việc nhưng tăng 1,99% về tiền so với năm 2015). Một số địa phương có kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng tương đối tốt với số tiền thi hành xong chiếm tỷ lệ khá cao như Hải Dương (91,05%), Đắk Nông (80,03%), Hậu Giang (49%), Đồng Tháp (42,23%).
Tuy nhiên, hoạt động THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về bán đấu giá tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án, về thẩm định, nhận thế chấp tài sản...
Để khắc phục chúng và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác THADS, Tổng cục THADS đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần.
Tổng cục cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác phối hợp và nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức phối hợp có hiệu quả giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan thuộc hai ngành, nhất là các cơ quan THADS và các tổ chức tín dụng cũng như chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh ở địa phương tiến hành kiểm tra thực hiện Quy chế phối hợp, rà soát tình hình thi hành án cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phối hợp tìm giải pháp về thể chế, cơ chế để xử lý tài sản trong THADS liên quan đến tổ chức tín dụng từ khâu cho vay, xét xử đến thi hành án.
Không tạo tiền lệ xấu trong thu hồi nợ
Cùng chung nhận định Quy chế đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cơ quan liên quan, trên tinh thần thẳng thắn, các tổ chức tín dụng, các cơ quan THADS đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại và kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.
Đại diện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) – ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, tính đến cuối năm 2015, VAMC còn 670 vụ việc phải thi hành án với số tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Thời gian qua, VAMC đã phối hợp với Tổng cục THADS lựa chọn một số vụ việc điển hình làm thí điểm và cho kết quả rất tích cực. Ông Thắng mong muốn VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ của các chủ nợ.
Đề cập tới những khó khăn trong việc thu hồi nợ ở các địa bàn làng nghề, có quan hệ dòng họ, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh cho rằng ở những địa bàn này, người vay thường nhìn nhau, chỉ cần không cưỡng chế 1 trường hợp, các trường hợp khác cũng sẽ chây ỳ, tạo tiền lệ rất xấu. Vì thế, ông Vinh mong muốn, Tổng cục THADS, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp dứt điểm để thi hành các vụ việc này.
Cũng phản ánh những khó khăn trong thực hiện Quy chế 01, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương nêu thực tế nhiều trường hợp cơ quan THADS yêu cầu phải thi hành tài sản của khách hàng vay trước tài sản bảo đảm của bên thứ ba hoặc có văn bản đề nghị Tòa án xác định thứ tự xử lý các tài sản trong bản án, dẫn đến quá trình thi hành án bị kéo dài. Trong khi đó, theo đúng quy định thì ông Phương đề xuất cần xử lý đồng thời.
Ông Phương cũng kiến nghị cho phép tổ chức tín dụng được tham gia quá trình bán đấu giá tài sản, vừa góp phần hỗ trợ Chấp hành viên, vừa bảo đảm tốt hơn quyền của người có tài sản bảo đảm.