Bám thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung
Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa Dự án Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 mới đây cho thấy, thực tiễn qua hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, LĐĐ năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nguồn lực về đất đai chưa được khai thác đúng mức, chưa thực sự phát huy để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thu giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Nhiều nơi sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; quy hoạch treo, tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp…
Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay, có 9 định hướng sửa đổi Luật Đất đai về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; Giá đất; Tài chính đất đai; Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; Quyền của người sử dụng đất và Chế độ sử dụng đất.
“Phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương. Đảm bảo đời sống việc làm cho người trong diện thu hồi đất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời đề nghị không xác định “cứng” 9 nội dung như Bộ TN&MT đề xuất mà trong quá trình đánh giá thực tiễn có thể xuất hiện những nội dung khác cần bổ sung, tiếp thu, chỉnh sửa.
Những nhiệm vụ quan trọng
Theo Quyết định về Kế hoạch chi tiết xây dựng Dự án LĐĐ (sửa đổi), trong suốt quá trình xây dựng Dự án LĐĐ (sửa đổi), các nhóm giúp việc Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ triển khai các nội dung như: Chỉ đạo, điều hành chung việc xây dựng Dự án LĐĐ (sửa đổi), tổ chức xây dựng Dự thảo LĐĐ (sửa đổi); Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường… Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai.
Các nhóm sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa LĐĐ với các Luật khác có liên quan. Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của LĐĐ và các Luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.
Bộ trưởng TN&MT giao Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch. Cuối tháng 10/2021, Dự án LĐĐ (sửa đổi) sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động.