Quản lý chặt để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách
Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của QH.
Cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) quy định về các hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện hơn các tác động của chính sách; lợi ích giữa nhà đầu tư, cộng đồng và người dân; dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh quan điểm việc phát triển các dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để hạn chế tình trạng phát triển hệ thống nhà ở tràn lan, xây dựng không có tính quy hoạch ổn định như đã xảy ra vừa qua.
Nêu tình trạng hiện có nhiều doanh nghiệp thu gom đất nông nghiệp, đại biểu cho rằng, nếu quy định trong dự thảo luật mà không quản lý chặt, nhiều đất nông nghiệp sẽ bị chuyển sang đất ở thương mại, dẫn tới khó quản lý, kiểm soát kéo theo việc sử dụng đất ở, nhà ở khó đảm bảo tính ổn định.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho hay, qua giám sát việc quản lý đất đai đô thị của nhiệm kỳ trước cho thấy có những dự án điều chỉnh quy hoạch đến 13 lần để phục vụ mục đích của nhà đầu tư, thay đổi rất lớn cho quy hoạch ban đầu và gây hệ lụy lớn cho xã hội như thời gian qua, khi tình hình phát triển không phù hợp với hạ tầng giao thông và xã hội.
“Do vậy, cần có quản lý chặt hơn để phát huy nguồn lực đất đai hợp lý cho tất cả các ngành, lĩnh vực và phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong các khu vực triển khai dự án”, đại biểu nói.
Một số đại biểu nêu hiện tượng một số người có quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước hay lãnh đạo các địa phương nên làm “cò mồi” dự án đất đai, làm dự án nhưng không làm thật, lấy đất khu đất vàng rồi lấy lý do để chuyển nhượng, bán sang tay, thu chênh lệch hàng chục tỉ trong khi nhà đầu tư thật lại khó khăn trong việc tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước, làm thủ tục. Các đại biểu cho rằng cần có biện pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Quy định rõ về xã hội hóa trong khai thác, sử dụng điện lực
Để thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, trong dự thảo Luật quy định chưa rõ và chưa thể hiện được tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thu hút mọi nguồn lực đầu tư.
Đại biểu đề nghị phải quy định rất rõ ràng, minh bạch những gì Nhà nước độc quyền và những gì xã hội hóa, hoặc ít nhất là quy định nguyên tắc và sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Bên cạnh đó, theo đại biểu, đánh giá tác động của chính sách rất sơ sài.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, khi thực hiện đấu nối vào lưới điện quốc gia, cần phải đặt vấn đề an ninh, quốc phòng lên hàng đầu. Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh sự cần thiết phải rất cẩn trọng và cho rằng, phải bổ sung điều kiện phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Lý giải về việc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì đều phải tuân thủ các quy định về đầu tư, về xây dựng, về điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn. “Vấn đề quyền đấu nối với các nhà đầu tư lưới điện thì phải đạt các tiêu chuẩn quy định của ngành điện, đạt các tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật an toàn về hệ thống thì được đấu nối”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu việc sửa đổi, bổ sung các luật không cùng một lĩnh vực và đề nghị rà soát kỹ các quy định để tránh khả năng gặp khó khăn trong quá trình theo dõi, giám sát thi hành pháp luật khi luật này được ban hành.
Tham gia giải trình tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, đây là một luật khó, chưa từng có tiền lệ, các nội dung sửa đổi chuyên sâu và ở các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ…
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, so với mặt bằng để đầu tư vào các luật, đây là luật mà các cơ quan chuẩn bị đầu tư nhiều nhất. “Khi sang đến QH, đây là lần thứ ba tôi ký Tờ trình. Đây là một kết quả của một sản phẩm trí tuệ tập thể”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh và cho biết, qua nhiều vòng thảo luận như vậy, các vấn đề rất cơ bản đã được thống nhất.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tư pháp, dự luật này liên quan đến rất nhiều luật khác nhau. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng thực hiện đúng nguyên tắc chỉ sửa các điều khoản cơ bản mang tính chất độc lập, ít ảnh hưởng đến các luật khác.