Ngày 10/5/2003, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh được thành lập nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Những thành quả của NHCSXH huyện Quảng Ninh góp phần cùng huyện thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, khi mới thành lập, PGD NHCSXH huyện nhận bàn giao 2 chương trình: cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng NN&PTNT huyện, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, với dư nợ hơn 31,2 tỷ đồng.
Sau 16 năm thành lập, PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh đã triển khai cho vay thêm 11 chương trình tín dụng chính sách mới và tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chính sách, chế độ. Nhờ giải ngân tốt đồng vốn mà tổng dư nợ các chương trình cho vay tính đến 30/9/2018 đạt hơn 306,6 đồng, tăng so với ngày đầu thành lập là 275,4 tỷ đồng.
Những kết quả nói trên đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách; chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân; đồng thời, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.
PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh luôn sát sao trong công tác giải ngân nguồn vốn ưu đãi. |
Qua 16 năm hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 1,57% (thời điểm nhận bàn giao năm 2003) xuống còn dưới 0,1% (năm 2018), giảm hơn 15 lần. Tín dụng chính sách xã hội đã đến với hầu hết các đối tượng cần được hỗ trợ tại ở tất cả các thôn, xóm, bản làng của 15/15 xã, thị trấn tại huyện, gắn bó và thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quan trọng hơn, vốn chính sách tín dụng xã hội kết hợp với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm làm ăn đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện cuộc sống và trả được nợ cho Ngân hàng.
Trong 16 năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH cho 36.500 lao động tại huyện Quảng Ninh được tạo thêm việc làm mới; giúp 8.800 hộ thoát được nghèo, 145 lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại nước ngoài, cuộc sống được cải thiện hơn; tạo điều kiện cho 7.450 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 483 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà ở; 235 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt; nhiều làng nghề được khôi phục và phát triển đạt nhiều tín hiệu đáng mừng…
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác; thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp nông thôn ngày càng khởi sắc, mức tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng và tình hình chính trị - xã hội giữ vững ổn định.
Tính đến nay, cơ chế quản trị điều hành ở địa phương với Ban đại diện Hội đồng quản trị đã phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý tập trung của Đảng, Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm đồng vốn phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng. Thông qua phương thức ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng qua các tổ chức chính trị - xã hội, việc thành lập các tổ Tiết kiệm và vay vốn có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện giao dịch tại xã giúp cho việc giải quyết vốn vay kịp thời đến người dân. Việc quản lý vốn chặt chẽ, sâu sát hơn cùng với cơ cấu bộ máy điều hành tác nghiệp ngân hàng gọn nhẹ đã tiết kiệm chi phí quản lý cho Nhà nước.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, trên cơ sở các chủ trương, chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ, của ngành, PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới (2016 - 2020) trên địa bành để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.