Do đó, số tiền phải chi dàn xếp các vụ kiện sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của RBS trong năm nay.
Chi tiền “khủng”
Trong thông báo đưa ra hôm 12-7, RBS cho biết, đã chấp nhận chi 5,5 tỷ USD để FHFA rút đơn kiện ngân hàng này và họ sẽ nhận được khoản bồi hoàn trị giá 754 triệu USD “theo thỏa thuận bồi thường với các bên thứ ba”.
"Thông báo hôm nay là bước tiến quan trọng để giải quyết một trong những vấn đề trúc trắc nhất mà RBS phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về những gì đã xảy ra với ngân hàng trước cuộc khủng hoảng tài chính và cái giá phải trả cho việc theo đuổi các tham vọng toàn cầu", ông Ross McEwan, Giám đốc điều hành RBS tuyên bố sau khi đã dàn xếp xong với FHFA. Đồng thời hy vọng có thể giải quyết tất cả các vấn đề tồn động vào cuối năm nay để chính phủ Anh có thể đưa RBS trở lại khu vực tư nhân.
Theo giới truyền thông, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, RBS đã phát hành và bán gần 32 tỷ USD tín phiếu liên quan tới thị trường nhà đất và các trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp có chất lượng kém. Do đó, khi thị trường bất động sản sụp đổ đã khiến nhiều trái phiếu trở nên vô giá trị và người sở hữu chúng thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo giới truyền thông, ngoài số tiền kể trên, RBS còn phải xử lý các khoản phạt trị giá 151 triệu bảng Anh. RBS từng cảnh báo, 2016 là năm giới đầu tư có thể phải đối mặt với những tổn thất lớn. Và gần 1 năm trước (28-9-2016), RBS từng chấp nhận nộp khoản tiền phạt trị giá 1,1 tỷ USD cho giới chức Mỹ để dàn xếp vụ bê bối tương tự. Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-9-2016, RBS cho biết, khoản tiền phạt này nhằm dàn xếp 2 vụ kiện dân sự tại Mỹ.
Logo của ngân hàng RBS |
Vi phạm nghiêm trọng
Theo tờ Financial Times, Mỹ từng điều tra RBS vì nghi ngờ ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Gần 5 năm trước (tháng 8-2012), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tư pháp đã điều tra RBS và việc này diễn ra sau khi ông Stephen Hester nắm quyền tại ngân hàng này một thời gian.
Năm 2010, RBS từng phải nộp phạt 500 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ sau khi thừa nhận, ABN Amro, ngân hàng của Hà Lan được RBS mua lại năm 2007, đã vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Libya, Sudan và Cuba.
Trước đó (26-2-2009), RBS báo lỗ 34,2 tỷ USD, một con số chưa từng có trong lịch sử của ngân hàng này. Theo giải trình của RBS, khoản thua lỗ kể trên diễn ra một phần do họ mua lại cổ phần của ngân hàng ABN Amro.
Giới chuyên môn cho rằng, giá cổ phiếu hiện nay của RBS chỉ bằng 50% giá mà London đã chi trả cho ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính. Chính trị gia Philip Hammond cho rằng, chính phủ Anh có thể phải bán số cổ phiếu bị lỗ này. Gần 2 năm trước (4-8-2015), Bộ Tài chính Anh thông báo, bắt đầu bán phần lớn cổ phiếu của họ tại RBS. Động thái này nằm trong kế hoạch thoái vốn của chính phủ Anh tại RBS để lấy tiền trả nợ công.
Theo đó, Chính phủ Anh đã bán 5,4% cổ phần tại RBS, thu về hơn 2 tỷ bảng Anh và đây là khoản lỗ không nhỏ. Bởi giá bán chỉ thu được ở mức 300 pence/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 500 pence/cổ phiếu tại thời điểm Chính phủ Anh chi để giải cứu RBS năm 2008.
Theo giới truyền thông, số tiền Chính phủ Anh từng chi để cứu RBS lên tới hơn 45 tỷ bảng Anh. Mặc dù nhận được gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, nhưng RBS vẫn thua lỗ tới 50 tỷ bảng Anh và sa thải hơn 30.000 nhân viên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông George Osborne vẫn khẳng định, đó là bước đi quan trọng nhằm tư nhân hóa RBS và cần thiết cho người dân bởi giúp ổn định tài chính, nâng cao tính cạnh tranh và phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế xứ sở sương mù./.