Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh đất đai (LANDA)… cho thấy, người dân ở nhiều địa phương chưa được thông tin rõ ràng, không được tham gia ý kiến, nhất là vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính quyền sở tại vẫn bưng bít thông tin nhằm mục đích riêng.
Cố tình không minh bạch
So với năm 2010, công khai thông tin đất đai đã từng bước được cải thiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều thông tin được công khai hơn, việc tiếp cận cũng dễ dàng hơn và có thể thấy được sự cải thiện ở cả cấp tỉnh, huyện và xã cũng như trên các trang web tỉnh. Mặc dù những cải thiện này là rất ấn tượng nhưng thực trạng công khai thông tin đất đai vẫn còn chưa đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật.
Theo nghiên cứu của WB, trên cơ sở khảo sát tại 63 tỉnh, 126 huyện và 321 xã được thực hiện vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, khi tìm hiểu thông tin tại các địa phương, cán bộ phụ trách từ chối cung cấp, yêu cầu phải được lãnh đạo đồng ý, nêu lý do thông tin là “mật” hay đòi giấy giới thiệu.
Ở cấp xã, cán bộ phụ trách thường không có mặt ở cơ quan trong giờ làm việc hoặc trả lời họ không có các thông tin được yêu cầu cung cấp; chỉ 50% số điểm khảo sát cung cấp thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Mức độ thu thập thông tin quy hoạch đô thị còn thấp hơn nhiều, cứ khoảng 8 xã mới có 1 xã cung cấp.
Ông Ngô Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển - cho biết, khảo sát thực tiễn cho thấy, thực thi chính sách đất đai có rất nhiều bất cập, đặc biệt về lĩnh vực quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Quy hoạch còn manh mún, không đồng bộ, không được triển khai, thiếu chi tiết và thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp thời gian qua đã gây khó khăn cho cuộc sống người dân; người dân không có thông tin và phải đứng ngoài cuộc về quá trình thực thi chính sách đất đai.
Trên thực tế, Luật Đất đai 2013 đã quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân trong quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời giao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng có luật, có chính sách đúng đắn nhưng khi thi hành lại có vấn đề từ trên xuống dưới, bị chi phối và lệch lạc bởi lợi ích cá nhân, đặc biệt là ở các cấp cơ sở - nơi va chạm trực tiếp tới các quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Tình trạng cố tình giấu thông tin để trục lợi đang được xem là điểm tắc nghẽn ở mức báo động và đáng quan ngại.
Vi phạm cần được xử lý kịp thời
Để giải quyết vấn đề giấu thông tin ở cơ sở, theo một số chuyên gia, cần sớm ban hành các quy định cụ thể về công tác công khai thông tin về đất đai, có chế tài về việc bưng bít thông tin đất đai ở các cấp chính quyền cơ sở và các hình thức xử lý cụ thể. “Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam” - ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã cho biết trong buổi công bố khảo sát này.
Thực tế, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong công tác quản lý đất đai, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc tiêu cực, Bộ TN&MT vừa ban hành quyết định về việc tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai.
Người dân có thể phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của cơ quan và cán bộ công chức, viên chức trong việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Đối với trường hợp thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Quản lý đất đai thì kể từ thời điểm nhận được báo cáo trong thời gian không quá 2 ngày làm việc phải xử lý thông tin phản ánh.
Trong trường hợp thông tin phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương thì phải xử lý thông tin trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được báo cáo. Kết quả xử lý thông tin phản ánh được công khai trên Cổng thông tin của Bộ TN&MT và của Tổng cục Quản lý đất đai giúp người phản ánh dễ dàng tiếp cận.