Nội dung nêu trên được người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn TP HCM ngày 17/1. Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh có những sai phạm liên quan đến quản trị, điều hành ngân hàng bị phát hiện trong thời gian qua.
Theo Thống đốc, việc này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có những quy định rõ ràng để ngăn ngừa việc thao túng, sử dụng tài sản của ngân hàng cho một nhóm công ty liên quan. "Mọi việc tới đây phải rõ ràng minh bạch. Như thế mới có thể kỳ vọng hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và bền vững hơn", ông nói.
"Thời gian tới, sẽ có những quy định khắt khe hơn với người tham gia điều hành ngân hàng. Chẳng hạn như anh phải chứng minh chi tiết rõ ràng nguồn gốc tiền đầu tư mua cổ phần vào ngân hàng. Nếu vi phạm ở mức độ nào đó, anh vĩnh viễn không được điều hành ngân hàng nữa", lãnh đạo ngành chia sẻ thêm.
Trong nội tại các tổ chức tín dụng, Thống đốc cho biết thanh tra đã chỉ rất rõ còn nhiều sai phạm ngay trong quản trị điều hành của tổ chức, tại các chi nhánh vẫn còn các vi phạm bị xử lý hình sự và toàn ngành cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật. Tới đây, Thông đốc yêu cầu cơ quan thanh tra cần tăng cường giám sát ngành chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Minh Trí - thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thừa nhận với mạng lưới và quy mô nhân lực lớn nhất hệ thống nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà băng lại kém nhất. Đến nay, Agribank khu vực TP HCM có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, tổng dư nợ liên quan là 15.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nợ xấu nội - ngoại bảng của ngân hàng khu vực TP HCM.
Trọng tâm năm 2017 của ngân hàng là xử lý các khoản nợ xấu này. Đại diện Agribank cho biết sẽ chấn chỉnh lại hoạt động cho vay toàn hệ thống để giảm thiểu sự gia tăng của nợ xấu. Những chi nhánh có nợ xấu nội bảng trên 5% hoặc trên 20% nợ xấu nội - ngoại bảng sẽ không có chuyện cho vay vượt quyền. Ông cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường phối hợp với tòa án, viện kiểm sát và đặc biệt là cơ quan thi hành án để xử lý tài sản thế chấp liên quan đến các khoản vay mà khách hàng không trả nợ được.
Tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Ông cho biết đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn II (2016-2020) sẽ hoàn thành và trình Chính phủ, Bộ Chính trị với các bước rất chi tiết và cụ thể. “Sau khi có quyết định của Chính phủ, chúng tôi sẽ triển khai đến từng tổ chức tín dụng để xây dựng đề án cho riêng tổ chức mình trong 5 năm tới. Mỗi tổ chức cần đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể và báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thực hiện”, Thống đốc nói.
Riêng đề án tái cơ cấu với 3 ngân hàng 0 đồng cùng với Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sau sáp nhập (Sacombank sáp nhập với SourtherBank) hiện đã hoàn thiện và trình Chính phủ với các bước rất kỹ lưỡng và chi tiết. Sau khi Chính phủ phê duyệt, quá trình này sẽ được thực hiện. "Với đề án trên, tôi cho rằng chúng ta có đầy đủ công cụ kiểm soát các hoạt động của các ngân hàng này và củng cố lòng tin của người gửi tiền, nền kinh tế, đem lại sự phát triển lành mạnh và bền vững hơn cho tổ chức tín dụng", ông nhấn mạnh.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, Thống đốc cho rằng tăng cường trích lập là yếu tố đầu tiên cần tập trung làm trong năm nay. Các tổ chức nào có lợi nhuận, có thu nhập thì phải tăng cường trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Yếu tố thứ hai là giải quyết các vướng mắc về pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi của người cho vay và các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm bất động sản. Năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ làm quyết liệt và đây là điểm mấu chốt trong xử lý nợ.
“Tôi đã báo cáo Viện Kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong thực thi giải quyết tài sản bảo đảm, về việc các cấp khác nhau vẫn nhìn nhận và áp dụng luật, xử lý khác nhau với tài sản bảo đảm của khoản nợ nên chúng tôi phải đề nghị lãnh đạo cao cấp nhất của ngành chỉ đạo thống nhất toàn ngành”, ông cho biết.
Vấn đề thứ ba liên quan đến cơ cấu tín dụng có rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Theo Thống đốc, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ xem xét vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở các tổ chức tín dụng nghiêm túc hơn nếu không các ngân hàng sẽ chịu rủi ro cao khi bị các yếu tố bên ngoài tác động.
Có mặt tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận, ngân hàng là một trong 9 nhóm ngành huyết mạch của thành phố. Qua kết quả đạt được tiếp tục cho thấy sự hiệu quả của hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Phòng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ các ngân hàng có hoạt động yếu kém; song song đó phối hợp với Thành phố xây dựng và phát triển các ngân hàng có tiềm lực tốt, góp phần khẳng định uy thế của thành phố…
Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, dư nợ tín dụng trên địa bàn cuối năm 2016 tăng 19,3%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các năm trước đây (năm 2015, tín dụng tăng 15,6%, 2014 tăng 12,1%, năm 2013 tăng 9,04%).
Tiền gửi VND đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 87,6% trong tổng tiền gửi và tăng 17,55% so với cuối năm 2015, tiền gửi ngoại tệ đạt 220.981 tỷ đồng, chiếm 12,4% trong tổng tiền gửi và giảm 9,09% so với cuối năm 2015.
Dư nợ tìn dụng bằng VND đạt 1,335 triệu tỷ đồng, chiếm 90,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 21,69%, dư nợ bằng ngoại tệ đạt 138.558 tỷ đồng, chiếm 9,4% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 0,51% so với cuối năm 2015. Phân tích theo kỳ hạn nợ, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 638.112 tỷ long, chiếm 43,3% trong tổng dư nợ và tang 21,53%; dư nợ trung và dài hạn đạt 835.826 tỷ đồng.