Trám khoảng trống pháp lý
Tại Hội thảo góp ý các Dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định chi tiết thi hành LĐĐ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ thông tin, đến kỳ họp tháng 10 tới, Quốc hội mới cho ý kiến về LĐĐ sửa đổi và theo lộ trình thì ít nhất phải 2,5 năm nữa LĐĐ mới có hiệu lực. Do vậy, việc ban hành nghị định sửa nhiều nghị định hướng dẫn LĐĐ trong khi chờ sửa LĐĐ là cần thiết.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, để hướng dẫn thi hành LĐĐ 2013, Chính phủ ban hành 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ TN&MT đã chủ trì ban hành 46 thông tư.
Cũng theo bà Mỹ, trong thời gian qua trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và DN về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành LĐĐ, Bộ TN&MT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ, ban hành theo thẩm quyền Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành LĐĐ.
Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành LĐĐ trong thời gian qua. Song song với quá trình xây dựng dự án LĐĐ sửa đổi, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và DN, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của LĐĐ để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện LĐĐ.
“Qua kết quả rà soát vướng mắc, chồng chéo trong hệ thống pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn là cần thiết trong khi Quốc hội chưa ban hành LĐĐ sửa đổi” - Đại diện Tổng cục Đất đai nói.
Những nội dung nào được sửa đổi?
Bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ TN&MT cho biết, Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của LĐĐ; Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ; Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành LĐĐ.
Cụ thể, các nội dung sửa đổi, bổ sung gồm: Quy định về tổ chức phát triển quỹ đất; Hoàn thiện quy định về các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất (SDĐ) của dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ SDĐ; Quy định về đấu giá quyền SDĐ; Xác định lại đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao hình thành trước ngày 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền SDĐ; Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước đang SDĐ không thuộc trường hợp đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới;
Quy định về việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác trên đất thương mại, dịch vụ; Quản lý, SDĐ của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động; Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; Các tiêu chí cho phép chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;
Ngoài ra, nghị định mới cũng sẽ bổ sung, sửa đổi các nội dung về làm rõ các loại giấy tờ để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền ở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền SDĐ, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở; Xử lý đối với trường hợp đang thế chấp mà hết thời hạn SDĐ và mua tài sản thông qua bán đấu giá, phát mãi khi thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hết thời hạn SDĐ; Cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất; Thẩm quyền điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đã giao, đã cho thuê của Thủ tướng Chính phủ trước ngày LĐĐ có hiệu lực thi hành.
Dự thảo Nghị định cũng quy định giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương trước ngày 31/12/2023; đồng thời, giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này...