Thế nhưng, như PLVN đã có một số bài viết phản ánh, khi “cơn sốt” đất ập đến, đã xảy ra tình trạng vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. “Cơn sốt” đất cũng dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có dấu hiệu phức tạp. Có công trình rộng hơn 1ha ở ngay mặt đường chính, cách trung tâm huyện chỉ khoảng 2km, chưa được cấp phép xây dựng; nhưng ngang nhiên quây tôn thi công, sau mỗi lần lập biên bản yêu cầu dừng thi công thì số công trình xây trái phép lại nhiều hơn.
Càng lập biên bản, càng vi phạm
Đó là công trình đồ sộ được quây tôn thi công ngay cạnh mặt đường BiĐoup (tổ dân phố Đăng Lèn, TT Lạc Dương) thuộc thửa đất số 01, 02, 23 tờ bản đồ TĐ 185-2019,00 TT Lạc Dương. Theo ghi nhận tại hiện trường, trên đất đã đang hình thành nhiều công trình như nhà tạm, hồ chứa nước bằng bê tông và nhiều trụ bê tông, phía giáp đường BiĐoup được quây tôn.
Nhiều lần bị lập biên bản nhưng công trình sai phạm tại mặt đường BiĐoup vẫn không bị xử lý rốt ráo. |
Công trình “khủng” này nằm ngay mặt đường chính, cách trụ sở UBND TT Lạc Dương, trụ sở UBND huyện Lạc Dương trên dưới 2km và chưa được cấp phép xây dựng. Chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. Chủ đầu tư cũng nhiều lần cam kết dừng thi công đến khi được cấp phép. Thế nhưng, công trình vẫn được xây dựng không phép. Sau biên bản kiểm tra lần đầu, biên bản sau càng dài thêm phần công trình vi phạm.
Cụ thể, ngày 20/8/2021, UBND TT Lạc Dương và Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện đã kiểm tra công trình xây dựng nói trên, xác định do bà Đoàn Thị Bích Phượng (ngụ tổ dân phố Lang Biang, TT Lạc Dương) làm chủ đầu tư (hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Nguyễn Xuân Chư và bà Păng Ting Jợt).
Đoàn kiểm tra ghi nhận hiện trạng có công trình văn phòng tạm, kho, xưởng với kết cấu khung sắt, mái tôn, vách tôn có diện tích 216m2. Thời điểm kiểm tra, chủ công trình chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất và xây dựng các công trình trên.
Công trình “khủng” vi phạm nằm ngay ở trung tâm huyện, vì sao các hoạt động xây dựng trái phép vẫn diễn ra công khai? |
Tại buổi làm việc ngày 27/8 với đại diện UBND TT Lạc Dương, chủ đầu tư cam kết sẽ tạm dừng việc thi công công trình và bổ sung hồ sơ cấp phép theo đúng quy định. Thời gian bổ sung và cung cấp giấy phép trong vòng 30 ngày kể từ 27/8; chỉ tiếp tục thi công công trình khi có giấy phép xây dựng và cung cấp cho chính quyền địa phương trước khi thực hiện.
Cũng theo biên bản làm việc, bà Phượng cam kết trường hợp không thực hiện theo đúng nội dung đã cam kết “sẽ chịu xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thế nhưng, chủ đầu tư không thực hiện những gì đã cam kết, ngày 18/9, UBND TT Lạc Dương, Phòng Kinh tế - Hạ tầng tiếp tục kiểm tra công trình. Lần này, ngoài những công trình vi phạm lần trước, Đoàn kiểm tra ghi nhận thêm hồ chứa nước bằng bê tông với kích thước 12 x 24, sâu 0,4m.
Huyện Lạc Dương căn cứ vào quy định nào để cho phép dự án chưa được cấp phép xây dựng xây các “nhà mẫu”? “Nhà mẫu” kiểu gì mà xây kiên cố? |
Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương ngày 23/9, chủ công trình cho rằng “đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hồ sơ bị ảnh hưởng”. Cũng như trước đó, chủ đầu tư cam kết dừng việc thi công, bổ sung và cung cấp giấy phép xây dựng trong vòng 30 ngày kể từ 23/9; chỉ tiếp tục thi công công trình và các hạng mục khi có giấy phép xây dựng và trình cho chính quyền địa phương.
Phải đưa clip chứng cứ, cán bộ huyện mới “cho kiểm tra thực tế”
Theo các biên bản kiểm tra, biên bản làm việc, khi bị kiểm tra, mời làm việc thì chủ đầu tư công trình mặt đường BiĐoup đều cam kết dừng thi công, bổ sung giấy tờ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các cam kết không được chủ đầu tư thực hiện.
Tan hoang rừng núi Lạc Dương
Về phía chính quyền địa phương, cũng không thấy có biện pháp xử lý triệt để nào. Được biết ngày 2/11 vừa qua, UBND TT Lạc Dương tiếp tục mời đại diện chủ đầu tư công trình nói trên lên “làm việc”.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết, công trình mặt đường BiĐoup xây dựng trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của gia đình ông Nguyễn Xuân Chư và bà Păng Ting Jợt. Năm 2019, chủ đất đã chuyển đổi sang đất ở 4.400m2 trên tổng diện tích hơn 1ha. Hiện chủ đất còn nợ 50% tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất (gần 3 tỷ đồng), nhưng quy định ở thời điểm chuyển đổi cho phép nợ.
Dù công nhân trên công trình đang thi công “chui”, ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện vẫn cho rằng “làm gì có thi công anh”. |
Về vấn đề xây dựng, ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, trước đây chủ đầu tư công trình đã làm thủ tục cấp phép nhưng có điều chỉnh nên đang hoàn chỉnh hồ sơ, đến hiện tại công trình chưa được cấp phép xây dựng. UBND TT Lạc Dương đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng thi công.
Có mặt tại công trình nói trên ngày 3/11, PV ghi nhận tại công trình vẫn có nhiều công nhân đang hàn xì thi công. Tuy nhiên khi làm việc với PV, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng lại cho rằng “làm gì có thi công anh”.
Ngày hôm sau (4/11), PV quay lại công trình nói trên, tiếp tục ghi nhận hình ảnh nhiều công nhân đang thi công. Tiếp tục đến gặp ông Cảnh, trưng ra những hình ảnh, clip vừa ghi nhận, hỏi rằng đơn vị có nắm được không thì ông Cảnh gọi điện cho cấp dưới “vào kiểm tra thực tế”.
Nhà không phép hay “nhà mẫu” như cán bộ huyện nói?
Đối diện bên kia đường công trình mặt đường BiĐoup là dự án khu dân cư mới (KDCM) thị trấn Lạc Dương (địa chỉ tiểu khu 145, TT Lạc Dương) do Cty CP Xây dựng Thương mại Vạn Xuân làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 26ha, cũng có dấu hiệu xây dựng không phép.
Dự án KDCM Lạc Dương khởi công từ tháng 1/2013, từng được giới thiệu là “dự án KDC hiện đại đầu tiên tại huyện Lạc Dương”. Ở thời điểm khởi công, dự án do Cty CP Xây dựng Thương mại Vạn Xuân (TP HCM) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014.
Hiện dự án đang được san ủi, hoàn thiện hạ tầng. Trước câu hỏi dự án có san gạt, xây dựng vượt ranh giới đất được cấp phép hay không, lãnh đạo huyện Lạc Dương và các phòng chuyên môn đều cho rằng chủ đầu tư thi công, san ủi trong ranh giới được cấp phép.
Về công tác xây dựng, theo quan sát thực địa, trên đất dự án, ngoài căn nhà điều hành kiên cố 3 tầng, chủ đầu tư còn xây dựng một công trình kiên cố 4 tầng rộng hàng trăm m2; ngoài ra trên đất dự án còn có 3 căn nhà kết cấu khung thép. Theo tìm hiểu thì những công trình này xây dựng khi chưa được cấp phép.
Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện xác nhận dự án KDCM Lạc Dương chưa được cấp phép xây dựng. Khi được hỏi tại sao chưa được cấp phép mà trên đất công trình đã hình thành nhiều nhà kiên cố như vậy, ông Cảnh cho rằng ngoài công trình nhà điều hành, Cty Vạn Xuân có “triển khai thi công một số nhà mẫu chủ yếu theo kết cấu lắp ghép. Khi Cty thực hiện có báo cáo, thị trấn đã lên kiểm tra và Cty cam kết tháo dỡ khi chuyển nhượng”.
Vậy huyện căn cứ vào quy định nào để cho phép Cty xây các “nhà mẫu”? “Nhà mẫu” kiểu gì mà xây kiên cố? Ông Cảnh nói: “Về mặt pháp luật thì không có nhưng đây là dự án nhà ở, các căn nhà chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm nên cho làm”.
Công trình “khủng” vi phạm nằm ngay ở trung tâm huyện, ai đi qua cũng thấy, vì lý do nào mà các hoạt động xây dựng trái phép vẫn diễn ra công khai? PLVN sẽ tiếp tục làm rõ, phản ánh.