Hà Nội vẫn còn 219 tòa nhà thương mại chưa thành lập BQT, chưa bàn giao quỹ bảo trì cho người dân. Ảnh minh họa |
Nói nhưng chưa làm được
Trong một chỉ thị về tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn gần đây, UBND TP Hà Nội đánh giá: việc triển khai thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Hàng loạt tồn tại tại các chung cư Hà Nội được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận như: tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư về diện tích thuộc phần sở hữu chung (nơi để xe máy, xe đạp...) diễn ra phổ biến, nhiều nhà chung cư còn thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, tình trạng thu phí dịch vụ trông giữ xe ở một số nhà chung cư chưa đúng quy định của thành phố.
Đặc biệt, TP Hà Nội chỉ ra tình trạng chủ đầu tư chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị (BQT) kéo theo chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2% từ chủ đầu tư cho BQT quản lý. Điều đó dẫn đến một số đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư chưa tốt dẫn đến bất đồng với các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư làm ảnh hưởng chung đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp. Trong đó, đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư ngay sau khi đủ điều kiện phải tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT nhà chung cư và thực hiện bàn giao hồ sơ nhà chung cư, thu và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho BQT nhà chung cư theo quy định.
“Giao Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ” - chỉ thị của UBND TP Hà Nội từng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chỉ đạo là thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại việc chiếm dụng quỹ bảo trì tại các tòa chung cư của nhiều chủ đầu tư vẫn diễn ra phổ biến, chưa được Hà Nội “mạnh tay” xử lý. Tìm hiểu của PV cho thấy, trong 490 tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, hiện cũng chỉ mới thành lập được 221 BQT. Việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% giữa chủ đầu tư và BQT cũng chỉ mới bàn giao cho 180 BQT. Như vậy, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 219 tòa nhà chưa thành lập BQT và hàng trăm tỷ đồng quỹ bảo trì vốn của người dân vẫn đang bị các chủ đầu tư chiếm dụng chưa bàn giao.
Bộ Xây dựng đề nghị xem xét xử lý hình sự
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định: Tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì diễn ra phổ biến, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Theo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, trong 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì, với trên 108 dự án có tranh chấp. Thực tế đây cũng là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công trình chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang xảy ra tình trạng xuống cấp.
Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân tranh chấp là do chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư còn chậm hoặc kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT; Một số chủ đầu tư nhà chung cư thương mại còn có tư tưởng không muốn thành lập BQT vì không muốn thay đổi đơn vị quản lý vận hành (lo sợ hội nghị nhà chung cư lựa chọn đơn vị khác) hoặc không muốn bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho BQT (sau khi được thành lập) theo quy định.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật trước đây chưa quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, các chủ sở hữu nhà chung cư, các cấp chính quyền trong công tác quản lý vận hành nhà cư; chưa có chế tài xử lý về chậm thành lập BQT, chế tài xử lý cưỡng chế chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2% cũng được cho là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì trở thành vấn đề “nóng” của Hà Nội. Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.
Xử lý hình sự được không?
Trả lời báo chí, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc Bộ Xây dựng đề xuất Công an khởi tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư là có căn cứ. Luật Nhà ở đã quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi Ban quản trị tòa nhà đó được thành lập. Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực thi Luật này nêu rõ trong thời hạn 7 ngày sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho Ban quản trị; nếu không bàn giao sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế. Hơn nữa, nếu có bằng chứng về việc chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt phí bảo trì, thì đây là dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy các khu dân cư, Ban quản trị có quyền tố cáo hành vi của chủ đầu tư đến cơ quan công an mà không cần chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.